Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Vai trò của hệ sinh thái rừng ngập mặn

Đầm Thị Nại với diện tích khoảng 5.000 ha và đã từng được coi là một trong những nơi quan trọng trong kế hoạch quản lý đầm phá của nước ta. Hệ sinh thái rừng ngập mặn có tính đa dạng sinh học cao, nguồn lợi thủy sản dồi dào và duy trì sự ổn định về môi trường, phát triển hài hòa của các loài thủy sinh vật và sinh kế của cộng đồng dân cư sống ven đầm.

 05/06/2024 12:38:42 |  376

Vai trò của hệ sinh thái rừng ngập mặn

Một góc RNM trên đầm Thị Nại

Việc trồng phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn là việc làm rất khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, trong những năm qua được sự quan tâm của các cơ quan chức năng, cộng đồng dân cư, diện tích rừng khu vực đầm Thị Nại đã phục hồi được một số diện tích rừng ngập mặn nhất định. Diện tích rừng ngập mặn tại Khu sinh thái Cồn Chim-đầm Thị Nại và các vùng ven đầm với khoảng 65 ha và 1.000 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản trồng đã được trồng cây phân tán với một số loài cây phổ biến như Đước đôi (Rhizophora apiculata), Đưng (Rhizophora mucronata), Mắm trắng (Avicennia alba), Bần trắng (Sonneratia alba). Hiện nay rừng ngập mặn bước đầu đang phát huy vai trò tích cực đối với kinh tế, xã hội và môi trường khu vực đầm Thị Nại, cụ thể như:

Phục hồi và bảo vệ nguồn lợi (NLTS) và động vật trên cạn: Nguồn mùn bã hữu cơ được phân hủy tại chỗ tạo nguồn thức ăn phong phú nuôi dưỡng và phục hồi nguồn lợi thủy sản như tôm, cua, cá, nhuyễn thể, động vật đáy,… Cây rừng là nơi trú ngụ của các loài động vật hoang dã như rắn, trăn,… và là nơi ngủ nghỉ của quần thể 5.000-7.000 cá thể chim di cư.

Rừng ngập mặn là nơi bảo vệ các loài động vật khi nước triều dâng và sóng lớn. Nhiều loài động vật đáy sống trong hang hoặc trên mặt bùn, khi thời tiết bất lợi, nước triều cao, sóng lớn đã di chuyển lên cây để tránh sóng như cua, ốc,… khi lặng gió và triều xuống thấp thì chúng trở lại nơi sống cũ. Do đó tính đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng ngập mặn được ổn định.

Phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS): Hệ sinh thái rừng ngập mặn là hệ thống lọc sinh học có chức năng cải thiện chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, đặc biệt sau các vụ nuôi, nguồn nước từ các vùng nuôi tôm tập trung thải ra, nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư ven đầm, được hệ thống rễ cây của rừng ngập mặn xử lý, góp phần hạn chế dịch bệnh và khôi phục nghề nuôi tôm ven đầm phát triển theo hướng bền vững.

Đồng thời, hình thành và phát triển một số nghề khai thác như: khai thác nguồn lợi thủy sản (NLTS) tự nhiên trong rừng ngập mặn (khai thác tôm cua, cá giống; các loại cá đặc sản: cá dìa bông, cá mú,…); nuôi sinh thái rừng ngập mặn (cua, nhuyễn thể…).

Ứng phó với mực nước biển dâng và tác động của Biến đổi khí hậu (BĐKH): Những năm gần đây tác hại của BĐKH đối với tài nguyên thiên nhiên và xã hội ngày càng rõ rệt, với quy mô và cường độ ngày càng tăng. Hệ sinh thái rừng ngập mặn hạn chế tác hại của hiệu ứng nhà kính và nước biển dâng (cản gió, tăng O2, giảm khí CO2 và các loại khí độc khác); Hệ sinh thái rừng ngập mặn có hệ thống rễ dày đặc trên mặt đất cùng với tán lá dày, thân, cành cây tạo thành bức tường xanh làm giảm cường độ sóng, gió, bão và bảo vệ hệ thống đê ven đầm (đê khu Đông đầm Thị Nại), các công trình ven biển, vùng cửa sông.

Phát triển du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học: Rừng ngập mặn tạo cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành, tạo môi trường lý tưởng phát triển du lịch sinh thái trong rừng ngập mặn. Là địa chỉ tham quan, học tập, giáo dục học sinh - sinh viên nâng cao nhận thức vai trò của rừng ngập mặn đối với môi trường, kinh tế, xã hội. Sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập mặn đã tạo ra môi trường lý tưởng hấp dẫn các nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo.

Bảo vệ tài sản cộng đồng dân cư: Rừng ngập mặn bảo vệ hệ thống bờ bao các khu NTTS ven đầm nhờ hệ thống rễ cây ngập mặn có tác dụng giảm nhanh cường độ sóng biển trong mùa mưa bão; bảo vệ tài sản cho người dân nhờ tán lá cây ngập mặn ngăn cản, giảm cấp độ của gió bão trước khi di chuyển vào khu dân cư; là bến neo đậu an toàn cho các phương tiện tàu thuyền khai thác thủy sản tránh bão tố trong mùa mưa bão rất hiệu quả.

Nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư: Rừng ngập mặn phục hồi NLTS, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư; người dân tham gia công tác bảo vệ rừng, khai thác nguồn lợi lâm sản trong rừng, góp phần ổn định kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo; tham gia phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái thông qua các hoạt động vận chuyển du khách tham quan rừng ngập mặn, dịch vụ ăn uống ẩm thực, . . .

Trồng phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn ven đầm, cửa sông là giải pháp tạo “lá chắn xanh” nhằm giảm thiểu và thích ứng với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu gây ra. Hiện nay diện tích rừng ngập mặn trồng phục hồi trên các bãi triều đầm Thị Nại không đáng kể so với diện tích mặt nước đầm khoảng 5.000 ha. Thiết nghĩ, việc trồng phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn khu vực đầm Thị Nại, đầm Đề Gi và vùng cửa sông là chương trình có ý nghĩa sâu sắc và cấp thiết đối với kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường trên quan điểm phát triển bền vững./

Mỹ Lầm - Trạm Nghiên cứu ƯDKTNN



Lượt truy cập: 44981

Đang truy cập: 7