Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Thành tựu nổi bật của hoạt động khuyến nông năm 2024

Với vai trò là đơn vị chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thông tin, truyền bá kiến thức và đào tạo nghề cho nông dân nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới. Hoạt động khuyến nông trong năm 2024 đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm; thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới. Kết quả nổi bật của hoạt động khuyến nông cụ thể như sau:

 24/12/2024 16:17:00 |  108

Thành tựu nổi bật của hoạt động khuyến nông năm 2024

Mô hình trồng thâm canh cây súp lơ vàng theo hướng an toàn tại thôn 1 xã An Toàn, huyện An Lão. Ảnh: TTKN

Về công tác xây dựng mô hình khuyến nông

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã xây dựng và triển khai 17 loại mô hình với 26 điểm trình diễn. Trong đó:

- Lĩnh vực trồng trọt: thực hiện 10 loại mô hình với 15 điểm trình diễn, tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới: xây dựng mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, tưới nhỏ giọt, tưới béc theo hướng bán tự động và tự động có điều hòa chất dinh dưỡng, chú trọng đầu tư thâm canh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, xây dựng nhãn hiệu, mã số vùng trồng, kết nối thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm. Trong đó đáng kể nhất là các mô hình: sản xuất lúa chất lượng đạt tiêu chuẩn hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng cơ giới hóa (khâu gieo sạ) trong thâm canh lúa cải tiến, trồng xoài, bưởi, dừa, theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sản xuất ớt, kiệu, hành… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó còn thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống gặp nhiều khó khăn: mô hình bí đỏ, súp lơ vàng tại xã An Toàn, An Lão và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò tại thôn O2, xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạnh.

Mô hình sản xuất lúa chất lượng đạt tiêu chuẩn hữu cơ gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn. Ảnh: TTKN

- Lĩnh vực chăn nuôi: triển khai 03 loại mô hình với 03 điểm trình diễn, chuyển giao các giống vật nuôi mới thích ứng với điều kiện sinh thái tại Bình Định: nuôi Vịt biển thương phẩm gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm, nuôi chim trĩ đỏ sinh sản, mô hình nuôi vỗ béo Bò thịt chất lượng cao bằng thức ăn tự trộn và phụ phế phẩm ủ chua. Bước đầu hình thành liên kết chăn nuôi vịt biển gắn tiêu thụ, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu chuyên cung cấp sản phẩm sạch đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi, tạo ra những sản phẩm chăn nuôi giá trị cao trên thị trường, ứng dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi vịt biển thương phẩm gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm tại phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn. Ảnh: TTKN

- Lĩnh vực thủy sản: thực hiện 04 loại mô hình với 08 điểm trình diễn. Về nuôi trồng thủy sản chủ yếu là chuyển giao phương thức nuôi mới cho người nông dân như nuôi thương phẩm cá Điêu hồng trong lồng-bè trên hồ chứa thủy lợi hoặc đập dâng gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm, nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh - thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi-BioFloc, nuôi tổng hợp các loài thủy sản dưới tán cây ngập mặn kết hợp phát triển du lịch sinh thái góp phần phát triển kinh tế ổn định, bền vững cho người nuôi và địa phương, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, bước đầu hình thành liên kết sản xuất chuỗi tiêu thụ cá điêu hồng.

Mô hình nuôi thương phẩm cá Điêu hồng trong lồng-bè trên hồ chứa thủy lợi hoặc đập dâng gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm tại hồ Định Bình. Ảnh: TTKN

Ngoài ra, thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (Chương trình 11 của Tỉnh ủy), Trung tâm Khuyến nông phối hợp địa phương xây dựng mô hình: Thâm canh lạc gắn liên kết chuỗi có sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, thâm canh cây bưởi đạt tiêu chuẩn Vietgap, Sản xuất cây hành, cây kiệu đạt tiêu chuẩn VietGAP,…. Việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năng suất mô hình tăng trên 10% và hiệu quả kinh tế tăng trên 15% so với sản xuất đại trà tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Thông qua việc thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại các địa phương

Về thông tin tuyên truyền, bồi dưỡng, đào tạo và tập huấn

Việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đã nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất, giúp nông dân bắt kịp xu thế thời đại công nghệ số. Đặc biệt, Trung tâm tăng cường ứng dụng công nghệ số vào hoạt động chuyên môn, các lớp tập huấn, tích hợp thường xuyên thông tin trên thông tin điện tử Trung tâm khuyến nông và Sở Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan thuộc Sở cung cấp thông tin chi tiết về vùng sản xuất trồng trọt, vùng chăn nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản … phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, hướng đến phục vụ xuất khẩu.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, bồi dưỡng, đào tạo và tập huấn đã nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất, giúp nông dân bắt kịp xu thế thời đại công nghệ số. Ảnh: TTKN

Trong năm 2024, đã phát sóng 52 chuyên mục tuyên truyền về các chủ trương chính sách của ngành nông nghiệp Bình Định và các mô hình khuyến nông; 10 cuộc tọa đàm chuyên đề nông nghiệp, nông thôn, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn; 4 cuộc hội thảo nhân rộng mô hình; quay và dựng 03 file quy trình kỹ thuật phát trên sóng của Đài Truyền hình; in 10.000 tờ rơi kỹ thuật; duy trì và sử dụng trang thông tin điện tử Trung tâm Khuyến nông Bình Định (khuyennongbinhdinh.vn) ngày càng chất lượng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản với hơn 120 tin, bài tuyên truyền được đẳng tải.

Trong công tác bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn thông qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nông dân, các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, đã góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ làm công tác khuyến nông cơ sở, nông dân, các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác. Qua đó, nâng cao kỹ năng tổ chức sản xuất, tạo sản phẩm chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất gắn với xây dựng xã nông thôn mới. Thông qua các lớp tập huấn, nhiều tiến bộ KHKT mới đã được áp dụng giúp người dân tiếp cận được với những quy trình sản xuất tiên tiến, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, giảm chi phí, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Năm 2024, từ các nguồn kinh phí của Trung ương, nguồn ngân sách tỉnh, các dự án, chương trình. Trung tâm đã tổ chức 03 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho 90 khuyến nông viên; 04 lớp đào tạo tiểu giáo viên cho 40 cán bộ khuyến nông và 80 khuyến nông viên, cộng tác viên, nông dân tiêu biểu; 15 cuộc gặp gỡ, trao đổi với nông dân về tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp; 02 cuộc tham quan học tập các mô hình, kinh nghiệm tổ chức hoạt động khuyến nông. Bên cạnh đó, còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố tổ chức 53 lớp lớp tập huấn về tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. 

Phát huy các kết quả đã đạt được và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác khuyến nông. Năm 2025, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp sạch gắn với bảo vệ môi trường. Từng bước hướng tới nền nông nghiệp tập trung quy mô lớn, có giá trị cao, gắn kết tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh, chú trọng công nghệ chế biến, bảo quản; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững./.

Tuyết mai



QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về lĩnh vực bảo vệ môi trường nông nghiệp
QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về lĩnh vực bảo vệ môi trường nông nghiệp
KẾ HOẠCH Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Quyết định Ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Triển khai thực hiện Đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Phụ lục Kế hoạch thông tin tuyên truyền năm 2025 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định của Trung tâm Khuyến nông
Phê duyệt Kế hoạch thông tin tuyên truyền năm 2025 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định của Trung tâm Khuyến nông
Phê duyệt Kế hoạch thông tin tuyên truyền năm 2025 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định của Trung tâm Khuyến nông
Phê duyệt Kế hoạch thông tin tuyên truyền năm 2025 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định của Trung tâm Khuyến nông

Lượt truy cập: 70683

Đang truy cập: 753