Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Thành công từ nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc tại Bình Định

Tại tỉnh Bình Định, nhiều hộ dân nuôi tôm thâm canh đã chuyển đổi từ hình thức nuôi truyền thống sang nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Tuy nuôi tôm công nghệ cao đầu tư ban đầu khá tốn kém nhưng rất “đáng đồng tiền bát gạo” vì cho tỷ lệ nuôi thành công đến 80 – 90%. Vì vậy, không ít người sẵn sàng đầu mô hình này. Họ chính là những người tiên phong tạo niềm tin, làm thay đổi bộ mặt ngành nuôi trồng thủy sản trong tỉnh.

 20/01/2022 10:35:00 |  247

Thành công từ nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc tại Bình Định

Bể ương nổi trong hệ thống ao nuôi của anh Trần Đình Dương. Ảnh - Thành Nguyên

Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai xây dựng mô hình Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ semi-floc có sử dụng máy cho ăn tự động tại thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn. Ông Nguyễn Văn Phát, người nuôi tôm có thâm niên tại địa phương đã mạnh tham gia thực hiện mô hình với diện tích ao nuôi 1.500 m2. Ông được hỗ trợ 50% con giống, vật tư và thức ăn, được hướng dẫn về kỹ thuật nuôi. Mặc dù đây là hình thức nuôi mới, nhưng nhờ kinh nghiệm lâu năm trong nghề, cùng với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật nên việc thực hiện mô hình tương đối trơn tru và đạt kết quả khả quan. Qua 3 tháng thả nuôi, tôm lớn nhanh và kích cỡ đồng đều, tôm đạt tỷ lệ sống cao (90%). Qua tính toán, ông dự kiến thu được 806 triệu đồng và lợi nhuận ước đạt 329 triệu đồng.

Anh Trần Đình Dương ở thôn An Xuyên 2, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ trước đây nuôi tôm theo kiểu truyền thống, hiệu quả không cao nên thu nhập bấp bênh. Sau khi tham quan các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa, cuối năm 2020, anh đã triển khai công nghệ mới cho các ao nuôi. Anh còn mạnh dạn đầu tư xây dựng thêm bể ương nổi và lắp đặt hệ thống mái che, đồng thời đầu tư thêm nhiều hệ thống công trình khác. Tháng 11 năm 2020, anh thả ương 20 vạn con giống tôm thẻ chân trắng trong bể ương nổi khoảng 200 m2. Sau khoảng 30 ngày, anh vận chuyển tôm sang 2 ao nuôi có tổng diện tích 1.000 m2. Tuy thả giống vào mùa mưa lạnh nhưng nhờ áp dụng công nghệ mới, có hệ thống mái che đã hạn chế sự tác động của môi trường đến ao nuôi, tôm nuôi khỏe mạnh và lớn nhanh. Sau 4 tháng nuôi, tôm đạt cỡ 50 con/kg, với giá bán 180 nghìn đồng/kg, ước thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Anh Dương cho biết, đây là vụ đầu tiên nuôi theo công nghệ Semi-Biofloc và anh thành công ngay từ lần đầu. Các vụ tiếp theo trong năm 2021, anh đã tiếp tục triển khai, kết quả thực sự khả quan. Anh đánh giá nuôi tôm theo công nghệ mới này hiệu quả hơn rất nhiều so với nuôi theo kiểu cũ.

Cũng trong năm 2021, ông Lê Xuân Tâm (thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát) cũng đã áp dụng công nghệ Semi-Biofloc để nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích ao nuôi 1.500 m2. Nhờ đầu tư hệ thống ao nuôi lót bạt có hệ thống cánh quạt, oxy đáy, máy cho ăn tự động và tuần hoàn nước. Trong suốt quá trình nuôi, ông Tâm luôn tìm tòi, học hỏi và tuân thủ theo đúng kỹ thuật nên tôm không bị bệnh và đạt tỷ lệ sống cao (95%). Nhờ đó, sau 3 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ 79 con/kg, năng suất ước đạt 24 tấn/ha, ông Tâm ước thu lãi khoảng 178 triệu đồng.

Theo Kỹ sư Nguyễn Khắc Tùng Tiến - Trung tâm Khuyến nông Bình Định, áp dụng công nghệ Semi-Biofloc trong nuôi tôm thẻ chân trắng tương đối dễ dàng, không cần ao nuôi diện tích lớn nhưng yêu cầu phải có ao ương và ao nuôi lót bạt, có hệ thống quạt nước và oxy đáy (hệ thống oxy đáy phải hoạt động 24/24). Tuy nhiên, kinh phí đầu tư vào công nghệ nuôi mới này tương đối lớn, đòi hỏi người nuôi phải có nguồn vốn ban đầu. Vì vậy, cần có chính sách để hỗ người nuôi tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, liên kết tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra.

Thành Nguyên - Theo Bản tin Khuyến nông Việt Nam, số 10/2021



Lượt truy cập: 41409

Đang truy cập: 4294967194