26/12/2023 09:33:35 | 306
Thâm canh cây bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại năng suất cao. Ảnh - TTKN
Trước đây, việc trồng bưởi của người dân mang tính tự phát, chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, chưa chú trọng đến việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh sâu bệnh hại, nên ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng, suy giảm hiệu quả kinh tế. Vì vậy, khi tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 50% kinh phí về vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh bưởi theo chuẩn VietGAP; hỗ trợ tư vấn, đào tạo, đánh giá và chứng nhận hợp chuẩn VietGAP theo TCVN 11892-1:2017 của Cục Trồng trọt.
Để thực hiện có hiệu quả mô hình, các hộ tham gia mô hình phải đảm bảo các tiêu chí về diện tích trồng bưởi phải tập trung và đang trong thời kỳ kinh doanh (cây 4 năm tuổi trở lên), với hệ thống tưới nước đã được đầu tư sẵn, vị trí thuận lợi cho việc tham quan học tập. Đồng thời phải chú trọng công tác bón phân, tưới nước, chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, xử lý ra hoa, bao trái bưởi, phòng trừ sâu bệnh hại và thực hiện ghi chép nhật ký canh tác để thuận lợi trong công tác đánh giá và chứng nhận VietGAP.
Kỹ sư Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Qua kiểm tra, theo dõi sinh trưởng và phát triển, cây bưởi 6 năm tuổi trở lên có tỷ lệ đậu quả cao với 30 quả/cây, năng suất đạt 79,92 - 85,7 tạ/ha, cao hơn so với đối chứng 11,9 - 19,7 tạ/ha. Sản phẩm bưởi loại A và B cao hơn đối chứng 19%, độ ngọt 14,2% cao hơn 0,2% so với đối chứng. Hiện nay, giá bán dao động từ 16.000 – 20.000 đồng/kg tùy theo loại bưởi, sau khi trừ các chi phí sản xuất, các hộ dân thu lại lợi nhuận từ 48,7 – 62,1 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 6.8 – 25.7 triệu đồng/ha. Mô hình bước đầu tạo sự liên kết giữa nông dân sản xuất với cơ sở thu mua và chế biến, ổn định về giá bán, người dân rất an tâm sản xuất.
Kỹ sư Nguyễn Cường hướng dẫn người dân kỹ thuật bao quả. Ảnh - TTKN
Ông Đặng Văn Hiền, thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông, chia sẻ: Với kỹ thuật chăm sóc, tỉa thưa quả, chỉ để khoảng 2 – 3 trái trên một chùm, sau đó dùng túi bao chuyên dùng cho bưởi và trước khi thu hoạch khoảng 10 – 15 ngày tháo bao trái để bưởi hấp thu ánh sáng tự nhiên nên trái bưởi to, cân đối, chất lượng đồng đều, vỏ có màu xanh đậm, số quả loại A, B chiếm đến 90%, tép bưởi hồng đậm và ngọt. Năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các năm trước.
Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Thực tế cho thấy thâm canh cây bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP khá phù hợp với điều kiện thời tiết tại Hoài Ân, năng suất tăng trên 10% và hiệu quả kinh tế tăng hơn 15% so với sản xuất đại trà tại địa phương, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sản xuất và người tiêu dùng. Ngoài ra, Trung tâm đã hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP sản phẩm bưởi cho 10 hộ dân tham gia mô hình. Đây là hình mẫu cho việc cải tạo các vườn bưởi trồng tự phát, chưa theo quy chuẩn, mang lại hiệu quả chưa cao. Vì vậy, chính quyền và các hội đoàn thể địa phương cần có kế hoạch thông tin tuyên truyền, tổ chức nhân rộng mô hình đến các hộ dân để phát triển sản xuất bền vũng, nâng cao thu nhập./.
BBT
Lượt truy cập: 48670
Đang truy cập: 129