Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Sản xuất cây hành đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng

Với mục tiêu chuyển giao và hướng dẫn kỹ thuật trồng hành củ đạt tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng các sản phẩm rau an toàn cung ứng cho thị trường, vụ Thu Đông năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai thực hiện mô hình sản xuất cây hành đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 01 ha, tại thôn Hưng Lạc, xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ).

 25/12/2024 13:16:48 |  119

Sản xuất cây hành đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng

Mô hình triển khai tại xã Mỹ Thành. Ảnh: TTKN

Theo đó, 06 hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% kinh phí về giống, vôi, phân hữu cơ vi sinh, thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học,… và được hướng dẫn cách ghi chép chi tiết về quá trình trồng theo bộ tiêu chuẩn VietGAP Trồng trọt (TCVN 11892-1:2017). Bên cạnh đó, nông dân còn được hướng dẫn từng bước trong quá trình sản xuất như: chọn địa điểm, chọn giống, kỹ thuật làm đất, bón phân, tưới nước, chăm sóc, thu hoạch, phân loại và sơ chế để nâng cao chất lượng hành, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm, hướng đến sản xuất bền vững.

Hiện nay đa số nông dân sản xuất cây hành theo hướng hàng hóa, chạy theo lợi nhuận, lạm dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ,… nên chất lượng cây hành còn hạn chế, mức độ an toàn kém do còn dư lượng thuốc BVTV, hàm lượng nitrat vượt ngưỡng cho phép khi tiêu thụ trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, việc sản xuất cây hành đạt tiêu chuẩn VietGAP cần phải tuân thủ quy định trong các khâu như giám sát, kiểm nghiệm, phân tích mẫu đất, mẫu nước ngay từ đầu vụ và kiểm nghiệm sản phẩm ở cuối vụ. Áp dụng quy trình từ khâu giống, chăm sóc đến thu hoạch, hạn chế phun thuốc BVTV, phân vô cơ, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học ,… Đặc biệt, sản phẩm phải có thời gian cách ly trước khi thu hoạch từ 10 - 15 ngày, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.

Nhờ tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn và áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây hành theo nguyên tắc IPM nên các đối tượng sâu bệnh hại như bọ trĩ, ruồi đục lá, sâu xanh da láng, bệnh đốm khô đầu lá, bệnh thán thư do nấm, bệnh thối củ, rễ do vi khuẩn,… giảm hơn hẳn so với trước đây, mức độ gây hại không đáng kể. Giống hành hương sinh trưởng phát triển tốt, tỉ lệ mọc cao đạt 97%, cho 4 củ/bụi, lá mọc đều, cây khỏe. Sau 80 ngày, cây hành mang lại năng suất củ 73 tạ/ha, cao hơn so với đối chứng là 13 tạ/ha, lợi nhuận đạt 116,7 triệu đồng/ha cao hơn so với đối chứng là 61,1 triệu đồng/ha.

Sản phẩm hành củ. Ảnh: TTKN

Ông Nguyễn Ngọc Trị, thôn Hưng Lạc, cho hay: trước đây bà con nông dân ở địa phương sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa tuân thủ theo một quy trình hay tiêu chuẩn nhất định nào. Khi tham gia mô hình, tôi và bà con tuân thủ thực hiện đúng theo kỹ thuật đã được cán bộ Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân, tưới nước, quản lý sâu bệnh hại,… Nhờ vậy, cây hành sinh trưởng phát triển tốt, củ hành mẫu mã đẹp, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Qua tính toán, tôi thấy năng suất tăng hơn 21 % và hiệu quả kinh tế tăng gấp 2 lần so với trước đây. Bên cạnh đó, chúng tôi đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất cây hành VietGAP trên diện tích 01 ha và thành lập tổ sản xuất cây hành đạt tiêu chuẩn VietGAP với 06 hộ dân.

Ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, cho biết: Qua kết quả mô hình cho thấy, cây hành sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP khá phù hợp với trình độ canh tác của bà con và thích ứng tốt với điều kiện thời tiết trong vụ Thu Đông tại đại phương. Qua đó nâng cao trình độ sản xuất và nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ có kế hoạch phối hợp với các hội đoàn thể địa phương thông tin, tuyên truyền và nhân rộng mô hình đến các hộ dân trên địa bàn xã, qua đó từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm hành của xã Mỹ Thành.

Thu mẫu đánh giá VietGAP. Ảnh: TTKN

Trước đó, trong vụ Hè Thu năm 2024, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai mô hình này với quy mô 01 ha/điểm tại xã Cát Tài, (huyện Phù Cát) và xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ). Kết quả đem lại hết sức khả quan, với việc áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp sản phẩm hành củ đạt chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp, thu nhập người dân tăng lên thấy rõ. Tại xã Cát Tài, cây hành hương có tỷ lệ mọc đạt trên 95%, năng suất đạt 99,7 tạ/ha, lợi nhuận mang lại 269 triệu đồng/ha, cao hơn 1,9 lần so với trồng hành lá và hơn 4,4 lần so với trồng đậu phụng trên cùng đơn vị diện tích. Tương tự, tại xã Mỹ Thọ, cây hành cho năng suất củ 90 tạ/ha, lợi nhuận đạt 149,6 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều so với trồng lúa như trước đây.

Ông Đỗ Minh Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết: Kết quả triển khai trong năm 2024 cho thấy cây hành khá phù hợp với trình độ canh tác của bà con nông dân, không chỉ mang lại năng suất và lợi nhuận cao mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng, tạo thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm và phục vụ truy xuất nguồn gốc. Với vai trò là đơn vị chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, Trung tâm sẽ tích cực thông tin tuyên truyền, chuyển giao và nhân rộng mô hình để giúp bà con từng bước tiếp cận, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống gắn với xây dựng nông thôn mới./.

Thành Nguyên



QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về lĩnh vực bảo vệ môi trường nông nghiệp
QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về lĩnh vực bảo vệ môi trường nông nghiệp
KẾ HOẠCH Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Quyết định Ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Triển khai thực hiện Đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Phụ lục Kế hoạch thông tin tuyên truyền năm 2025 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định của Trung tâm Khuyến nông
Phê duyệt Kế hoạch thông tin tuyên truyền năm 2025 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định của Trung tâm Khuyến nông
Phê duyệt Kế hoạch thông tin tuyên truyền năm 2025 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định của Trung tâm Khuyến nông
Phê duyệt Kế hoạch thông tin tuyên truyền năm 2025 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định của Trung tâm Khuyến nông

Lượt truy cập: 70692

Đang truy cập: 762