Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Quy trình Kỹ thuật thâm canh lạc có ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm

Quy trình Kỹ thuật thâm canh lạc có ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm

 16/12/2021 15:32:41 |  322

Quy trình Kỹ thuật thâm canh lạc có ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT

THÂM CANH LẠC GẮN LIÊN KẾT CHUỖI

CÓ SỬ DỤNG HỆ THỐNG ỐNG TƯỚI NƯỚC TIẾT KIỆM

(Kèm theo Quyết định số:       /QĐ-SNN  ngày       tháng 6 năm 2021

của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định)

I. KỸ THUẬT CANH TÁC

1. Giống

Sử dụng những giống lạc phẩm cấp cao, thích ứng rộng với điều kiện sản xuất trong cơ cấu giống lạc của tỉnh Bình Định như các giống LDH01, L14, TB25, LDH09, sẻ địa phương, mỏ két, …

2. Thời vụ

          - Tùy vào thời gian sinh trưởng, mục đích sử dụng, tình hình thời tiết cụ thể của từng nơi và thời điểm gieo trồng để bố trí thời gian xuống giống cho thích hợp:

+ Vụ Đông Xuân xuống giống từ tháng 12 đến tháng 1;

          + Vụ Hè Thu xuống giống từ tháng 3 đến tháng 4;

          + Vụ Thu Đông: Đối với chân thấp thì xuống giống từ cuối tháng 6 đến tháng 7, đối với chân đất cao thì xuống giống từ ngày 10 – 20/8.

          - Không nên gieo 02 vụ lạc liên tục trong năm trên cùng diện tích.

3. Chọn đất và làm đất

- Đất có thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp, giữ ẩm tốt, thoát nước tốt không bị ngập úng, pH từ 5,7 – 6,5.

- Làm đất: Cày sâu, bừa kỹ làm cho đất tơi xốp sạch cỏ dại kết hợp bón vôi tạo điều kiện cho hệ rễ lạc phát triển, cây sinh trưởng tốt. Là điều kiện để cho cây lạc cho quả nhiều và có năng suất cao.

- Sau khi làm đất, bón lót, tiến hành lên luống với chiều rộng từ 100 – 110 cm, cao từ 15 – 20 cm, chiều rộng của rãnh từ 25 – 30 cm.

4. Hạt giống và kỹ thuật gieo hạt

- Hạt giống tốt: Cần chọn giống thuần, sạch bệnh, có sức sống cao, có cùng cỡ hạt, tỷ lệ nảy mầm 90 – 95%. Hạt giống cần xử lý thuốc trừ nấm bệnh trước khi gieo, trộn đều thuốc sau đó đem gieo ngay (không được làm trầy vỏ lụa sẽ ảnh hưởng đến khả năng mọc mầm).

- Lượng giống: 10 – 11 kg đậu vỏ cho 1 sào (500m2) đối với giống hạt nhỏ, 10 – 12 kg đậu vỏ cho 1 sào (500m2) đối với giống hạt lớn.

- Mật độ gieo:       

+ Mật độ gieo 40 cây/m2: 25 cm x 20 cm x 2 cây/hốc;

+ Mật độ gieo 33 cây/m2: 25 cm x 12 cm x 1 cây/hốc.

- Cách gieo: Rạch hàng theo chiều dọc luống. Độ sâu lấp hạt từ 02 – 03 cm (đất khô thì lấp sâu, đất ẩm lấp cạn hơn).

Lưu ý: Nên sử dụng công cụ gieo hạt lạc cầm tay và chú ý độ đồng đều hạt giống trước khi gieo

5. Phân bón và kỹ thuật bón phân

* Lượng phân bón cho 01 sào (500m2) như sau:

 - Phân chuồng hoai mục: 400 – 500 kg (40 – 50 kg phân hữu cơ vi sinh)

 - Vôi bột:  20 – 25 kg

 - Phân đạm Urê: 04 – 05 kg

 - Phân lân Văn Điển: 25 – 30 kg

 - Phân Kali (KCl): 08 – 10 kg

      * Kỹ thuật bón phân:

          - Bón lót 100% vôi trước khi cày lần đầu.

          - Bón toàn bộ lượng phân chuồng, phân lân, phân đạm và 50% phân kali trước khi cày lần cuối.

          - Sau khi gieo hạt 25 – 28 ngày bón lượng phân kali còn lại.

Chú ý: Trong giai đoạn phát triển quả và hạt, nếu lạc có xu hướng phát triển sinh khối mạnh, kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình tập trung dinh dưỡng cho quả, hạt dẫn đến năng suất và chất lượng suy giảm. Để hạn chế tình trạng này, dùng hoạt chất paclobutrazol (Bidamin 15WP) phun với nồng độ 0,03% (0,64 kg Bidamin hòa với 320 lít nước để phun cho 1 ha) phun vào thời điểm sau khi ra hoa rộ, lạc đã đâm tia có tác dụng giúp cho lạc hạn chế sinh trưởng, tăng cường vận chuyển cho quả và đảm bảo thời gian sinh trưởng của giống.

6. Chăm sóc

- Trồng dặm lúc cây vừa có hai lá đơn, không nên trồng dặm khi cây đã có lá kép làm ảnh hưởng sự sinh trưởng.

- Khi cây có từ 2 lá thật trở lên, tiến hành tỉa cây đúng mật độ quy định.

- Làm cỏ đợt 1: Vào lúc cây được 3 – 4 lá thật (sau gieo 10 – 15 ngày) tiến hành làm cỏ, xới nhẹ.

- Làm cỏ đợt 2: Vào lúc cây có 5 – 6 lá thật (sau gieo 25 – 30 ngày) tiến hành làm cỏ, xới sâu, kết hợp bón phân thúc và vun gốc. Sau khi lứa hoa đợt 2 kết thúc (sau gieo 37 – 45 ngày) tiến hành làm sạch cỏ, xới vun nhẹ xung quanh gốc để tia lạc dễ đâm vào gốc phát triển quả thuận lợi.

  - Tưới nước: Cây lạc ưa độ ẩm cao nhưng cũng rất sợ úng ngập nước. Ở mỗi thời kỳ khác nhau yêu cầu nước cũng khác nhau. Chú ý, ở thời kỳ ra hoa đậu quả phải đảm bảo độ ẩm từ 70 – 80%. Đối với cây lạc cần phải tưới thấm tránh tưới tràn.

 - Lắp đặt hệ thống tưới: sau khi phay đất, tiến hành lắp đặt hệ thống tưới nước bằng béc phun mưa theo hình dưới đây:

+ Sơ đồ bố trí các vòi phun được thiết kế theo hình tam giác (lắp so le dạng nánh sáu)

+ Khoảng cách giữa các hàng béc là 4 m;

+ Khoảng cách giữa các béc phun trong hàng là 4 m.

 

 

- Nếu gặp trời mưa hoặc tưới nước bị ngập tràn, đất bị đóng váng thì xới nhẹ phá váng để thông thoáng.

  Ngoài ra, tùy tình hình sinh trưởng của cây lạc trong các giai đoạn thiết yếu như giai đoạn ra hoa, hình thành quả, vào quả chắc có thể sử dụng các loại phân phun qua lá giàu kali như: KNO3, HK 7-5-44, …

7. Phòng trừ sâu bệnh

- Cần thực hiện biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên cây lạc thì mới có hiệu quả cao. Khi đến ngưỡng phòng trừ mới sử dụng thuốc hóa học. Chú ý các đối tượng sâu bệnh hại chính như: sâu cuốn lá, bọ trĩ, rầy mềm, bệnh héo xanh, bệnh đốm lá, …

- Cỏ dại: dùng thuốc trừ cỏ Dual Gold 96EC, Targa super 5EC,… theo đúng liều lượng hướng dẫn để phòng trừ cỏ dại trước gieo trồng và sau khi làm đất.

- Đối với sâu hại: Sử dụng Eagle 50WG, Prevathon 5SC, ...

- Đối với bệnh đốm lá: Sử dụng Tilt super 300EC, Anvil 5SC, …

Ngoài ra, có thể sử dụng Trichoderma trộn với phân hữu cơ hay phân chuồng bón vào đất để hạn chế các nấm bệnh trong đất.

8. Thu hoạch và bảo quản

Chọn ngày nắng ráo để thu hoạch, thu hoạch khi quả già chiếm 80 – 85% số quả trên cây. Sau khi nhổ, vặt quả, phơi dưới nắng nhẹ đến khi vỏ lụa tróc là được.

Chú ý: phơi lạc giống nhất thiết phải phơi trên nong nia, sân đất (không phơi trực tiếp trên sân gạch, xi măng). Khi phơi khô phải để nguội rồi sau đó mới cho vào bao nilon hoặc chum vại đậy kín, bảo quản nơi khô mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng bên ngoài.

 

II. KỸ THUẬT TƯỚI NƯỚC TIẾT KIỆM BẰNG CÔNG CỤ MINI-PAN

1. Thời gian và phương pháp đặt mini-pan

- Đặt mini-pan ngay khi gieo hạt;

- Khi gieo, đất phải đảm bảo đủ ẩm để hạt nảy mầm;

- Đặt mini-pan ở nơi bằng phẳng, thoáng, không bị che bóng;

- Bảo vệ mini-pan không để động vật uống nước.

2. Cách vận hành Mini-pan

- Đổ đầy n­ước vào mini-pan ngay sau khi đặt cố định;

- Theo dõi mực n­ước bốc hơi thông qua thước đo đặt trong chảo;

- Khi mực nước trong mini-pan tụt xuống đến ngưỡng phải tưới thì tiến hành tưới;

- Đổ n­ước đầy vào mini-pan sau mỗi lần tưới.

3. Thời điểm tưới và lượng nước tưới cho cây lạc trên đất cát

Lượng nước tưới (lít/m2 )

Mực nước trên các vạch của thước (mm)

Mọc - phân cành

Phân cành - ra hoa

Ra hoa - hình thành quả

Giai đoạn chín

5

48

36

21

36

8

38

29

17

29

10

32

24

14

24

12

26

19

11

19

15

16

12

7

12

 

4. Áp dụng cụ thể

- Không tưới:

+ Khi mực nước trong mini-pan ở trên vạch 48 mm đối với giai đoạn từ mọc - phân cành.

+ Khi mực nước trong mini-pan ở trên vạch 36 mm đối với giai đoạn từ phân cành - ra hoa.

+ Khi mực nước trong mini-pan ở trên vạch 21 mm đối với giai đoạn từ ra hoa - hình thành quả.

+ Khi mực nước trong mini-pan ở trên vạch 36 mm đối với giai đoạn chín.

- Tưới khẩn cấp khi:

+ Mực nước trong mini-pan tụt thấp hơn vạch 16 mm đối với giai đoạn từ mọc - phân cành.

+ Mực nước trong mini-pan tụt thấp hơn vạch 12 mm đối với giai đoạn từ phân cành - ra hoa.

+ Mực nước trong mini-pan tụt thấp hơn vạch 7 mm đối với giai đoạn từ ra hoa - hình thành quả.

+ Mực nước trong mini-pan tụt thấp hơn vạch 12 mm đối với giai đoạn chín.

- Kiểm tra mực nước trong mini-pan, nếu thấy ở vạch nào thì phải tưới lượng nước tương ứng. Ví dụ: Ở giai đoạn từ phân cành - ra hoa, nếu thấy mực nước ở vạch 19 mm, cần phải tưới lượng nước tương ứng là 12 lít/m2; Tương tự, ở giai đoạn chín, nếu thấy mực nước ở vạch 36 mm, cần phải tưới lượng nước tương ứng là 5 lít/m2;…

- Trong trường hợp, nguồn nước cung cấp tưới chỉ giới hạn một lượng nhất định, theo dõi mực nước trong mini-pan, nếu tụt ở vạch tương ứng thì tiến hành tưới. Ví dụ: Nguồn tưới chỉ có khả năng cung cấp với lượng 8 lít/m2, theo dõi mực nước trong mini-pan và chỉ tiến hành tưới khi mực nước ở vạch 38 mm trong giai đoạn từ mọc - phân cành hoặc 17 mm trong giai đoạn từ ra hoa - hình thành quả. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Quy trình kỹ thuật thâm canh lạc trên đất chuyển đổi (Ban hành theo Quyết định số: 1129/QĐ-SNN ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định).

- Kỹ thuật tưới nước theo Mini-pan (chảo bốc thoát hơi nước loại nhỏ) -  Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ.

 

 

Trung tâm khuyến nông Bình Định



Lượt truy cập: 44981

Đang truy cập: 12