Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Quản lý địch hại tổng hợp (IPM) trên cây ngô mang lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường

Nhằm giúp bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại (sâu keo mùa thu) trên cây ngô, vụ Hè Thu 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân triển khai thực hiện mô hình “Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ngô (đối với sâu keo mùa thu)” với quy mô 01 ha, cho 13 hộ nông dân tại xã Ân Hảo Tây.

 14/09/2023 10:58:32 |  219

Quản lý địch hại tổng hợp (IPM) trên cây ngô mang lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường

Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây ngô được nhiều hộ dân quan tâm. Ảnh - TTKN

Các hộ dân tham gia thực hiện mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí giống, vật, tư phân bón, được chuyển giao quy trình kỹ thuật quản lý địch hại tổng hợp trên cây ngô do Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành. Trong quá trình triển khai các hộ dân chú trọng đến khâu làm đất sớm và vệ sinh đồng ruộng; sử dụng hạt giống khoẻ, giống chống chịu sâu bệnh; gieo trồng với mật độ hợp lý; bắt sâu bằng tay, tỉa cây bị bệnh; sử dụng phân bón một cách hợp lý, ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc để trừ dịch hại, bảo vệ thiên địch, sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường,…

Kỹ sư Thái Thành Việt, cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi mô hình cho hay: Nhờ áp dụng tốt các biện pháp quản lý địch hại tổng hợp trong phòng trừ sâu keo mùa thu nên cây ngô trong mô hình sinh trưởng và phát triển khá tốt. Sau 05 tháng triển khai, giống ngô DK 9979C phát triển đồng đều, cứng cây, bộ rễ vững chắc, bộ lá đứng, dày và xanh, thân to khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh khá tốt. Năng suất đạt trung bình 71,6 tạ/ha, cao hơn đối chứng 2,1 tạ/ha; chi phí thấp hơn so với đối chứng 2.200.000 đồng/ha; lợi nhuận mô hình đạt 12.354.000 đồng/ha, cao hơn đối chứng 3.670.000 đồng/ha. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón một cách hợp lý và hạn chế thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo ông Đào Ngọc Quân, Phó chủ tịch UBND xã Ân Hảo Tây, chia sẽ: Cây ngô được đánh giá là cây trồng trồng cạn có vai trò hết sức quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Tuy nhiên trong những năm qua, tình hình sâu bệnh gây hại ngày càng tăng ảnh hưởng lớn tới năng suất và chất lượng sản phẩm, suy giảm hiệu quả kinh tế của người dân. Thành công từ mô hình sẽ mang đến một giải pháp phù hợp cho việc phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp cùng các hội đoàn thể tích cực thông tin, vận động bà con áp dụng nhân rộng mô hình để đem lại hiệu quả kinh tế cũng như góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững./.

BBT



Lượt truy cập: 41409

Đang truy cập: 4294967223