24/07/2024 08:37:29 | 101
Cây ngập mặn được trồng phân tán trên đầm Thị Nại. Ảnh - TTKN
Bình Định có 2 đầm nước lợ là đầm Thị Nại (hơn 5.000 ha) và đầm Đề Gi (hơn 1.600 ha), từng có diện tích rừng ngập mặn rất lớn - hơn 1.000 ha trước năm 1975. Tuy nhiên do nhu cầu phát triển kinh tế, mưu sinh của các hộ dân sống ven đầm, cùng với đó là quá trình đô thị hóa nên diện tích rừng ngập mặn ngày càng suy giảm, kéo theo các vấn đề về ô nhiễm môi trường sinh thái, xâm nhập mặn, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản...
Nhận thấy vai trò to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn, từ năm 2003 tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để nhằm phục hồi, bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay đã trồng được 88,11 ha rừng ngập mặn gồm các loài cây: đước, bần trắng, mắm trắng.
Từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Bình Định (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã triển khai trồng phân tán cây ngập mặn dọc các khu vực bãi triều và xung quanh các hồ nuôi trồng thủy sản trên đầm Thị Nại và đầm Đề Gi. Đến nay đã trồng được 5.300 cây; riêng trong năm 2024, Trung tâm đã triển khai trồng phân tán 1.500 cây mắm biển trên đầm Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát). Sau 2 tháng trồng, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 75,87 %.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, chia sẻ: Thực hiện Dự án Bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ở các địa phương ven biển trong tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Trung tâm tập trung giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 258,25 ha, chăm sóc rừng trồng 18,8 lượt ha và trồng mới 7.300 cây ngập mặn phân tán dọc các khu vực bãi triều ven đầm và các ao hồ nuôi trồng thủy sản tại TP Quy Nhơn và các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ./.
Thành Nguyên
Lượt truy cập: 48670
Đang truy cập: 131