21/10/2024 16:10:11 | 96
Lớp tập huấn được tổ chức tại xã Mỹ Chánh. Ảnh - TTKN
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định), năm 2023, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 1.051 tấn/ngày, trong đó, khu vực đô thị khoảng hơn 581 tấn/ngày. Tỷ lệ CTRSH trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý năm 2023 đạt hơn 74%; trong đó, khu vực đô thị đạt gần 86%, khu vực nông thôn đạt 61%. Đến hết tháng 8.2024, tỷ lệ CTRSH trên địa bàn tỉnh được thu gom, xử lý đạt 80%; trong đó, khu vực đô thị đạt hơn 90,7% (đảm bảo chỉ tiêu Hội đồng Nhân dân tỉnh giao) và khu vực nông thôn đạt gần 68%. Hiện cả tỉnh có 5 doanh nghiệp, 9 đơn vị sự nghiệp công ích, 17 Hợp tác xã và các cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Toàn tỉnh có 60 xe ép rác chuyên dụng; 54 xe tải các loại và 494 xe đẩy tay thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc nâng cao nhận thức phân loại rác thải, hạn chế sử dụng nhựa và túi nilon khó phân huỷ, trong 03 ngày, từ ngày 16-18/10, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường, tổ chức 03 lớp “Tập huấn, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng nhựa, túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần” cho 90 nông dân thuộc các xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ (30 người/01 lớp) và xã Phước Sơn, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước (60 người/02 lớp).
Tại lớp tập huấn, nông dân đã được cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Bảo vệ môi trường giới thiệu các khái niệm, nhận diện và phân loại rác thải sinh hoạt; tác hại của rác thải đối với đời sống và môi trường; thực trạng rác thải hiện nay; trình chiếu các video hướng dẫn phân loại rác thải, phóng sự về công tác phân loại CTRSH tại một số địa phương, hướng dẫn phân loại rác thải; nêu một số quy định của pháp luật về quản lý rác thải như Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 của Quốc hội; Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT hướng dẫn về việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác; Thông tư 15/2021/TT-BXD hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung;… Trách nhiệm của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư; các hành vi bị nghiêm cấm; xử lý vi phạm hành chính liên quan đến bảo vệ môi trường; giải pháp bảo vệ môi trường; một số biện pháp xử lý rác thải.
Sau khi tham gia lớp tập huấn, ông Trần Quốc Toàn, Trưởng thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh, chia sẻ: Trước đây tôi cảm thấy việc phân loại rác không phải là điều cần thiết, nhưng qua buổi tập huấn lần này đã giúp tôi và bà con có suy nghĩ khác. Từ giờ chúng tôi sẽ chủ động thực hiện phân loại rác thải để góp phần cho quá trình tái chế nhựa được hiệu quả hơn và nếu các gia đình chúng ta luôn có ý thức phân loại rác thải sẽ mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch hơn, tiêu chí môi trường không những được duy trì, nâng cao, mà còn góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng khởi sắc, trở thành những vùng quê đáng sống.
Ông Trần Quang Nhựt – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, chia sẻ tại các lớp tập huấn: Nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon dùng một lần, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái, làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể để hạn chế việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa và nilon thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường. Xác định môi trường là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (Tiêu chí số 17-Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025), góp phần làm thay đổi bộ mặt làng quê nông thôn, tạo mỹ quan nông thôn xanh - sạch - đẹp. Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các ban, ngành chức năng luôn đặc biệt quan tâm, coi trọng việc bảo vệ và nâng cao chất lượng, cải thiện môi trường. Nhờ đó, môi trường không những được duy trì, nâng cao, mà còn góp phần làm cho cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng khởi sắc.
Qua các lớp tập huấn, tuyên truyền đã giúp cho nông dân nhận biết việc phân loại rác thải vừa mang lại lợi ích bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên, hơn hết chính là giảm được nguồn rác thải ra môi trường. Hãy hành động vì một tương lai trong lành hơn và tất cả là vì một tương lai không còn ô nhiễm./.
Mỹ Lầm
Lượt truy cập: 48670
Đang truy cập: 131