Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Một số lưu ý khi phòng trừ cỏ dại trên lúa vụ thu 2023

Thời tiết đầu vụ Thu nắng nóng, cỏ lên sớm nên việc quản lý cỏ dại không hề dễ dàng. Cỏ dại có bộ rễ phát triển rất mạnh, phần lớn được phân bố ở lớp đất mặt nên dễ dàng cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng và nước với cây trồng, làm cho cây trồng sinh trưởng và phát triển kém.

 15/05/2023 20:17:38 |  363

Một số lưu ý khi phòng trừ cỏ dại trên lúa vụ thu 2023

Nhóm cỏ lá rộng

Hầu hết các loài cỏ dại đều có thời gian ngủ nghỉ (miên trạng) cộng với cấu trúc đặc biệt của vỏ nên tồn tại rất lâu trong đất, sinh sản bằng nhiều cách khác nhau với tốc độ rất nhanh, phát tán dễ dàng trên diện rộng. Ngoài ra, cỏ dại còn là ký chủ của sâu bệnh và tạo điều kiện cho sâu bệnh gây hại mạnh.

1. Cách nhận biết các loại cỏ dại trên ruộng lúa

- Nhóm cỏ hòa bản: Lá hẹp dài, gân lá song song, thân tròn, rỗng, lá mọc đứng và mọc thành 2 hàng dọc theo thân từ đầu lá tới cổ lá. Rễ của loại này thường là rễ chùm và mọc cạn trên bề mặt đất. Nhóm này có các loại cỏ như cỏ lồng vực, đuôi phụng,… Đây là nhóm cỏ dễ lây lan diện rộng do hạt cỏ nhẹ, dễ phát tán trong gió.

- Nhóm cỏ lá rộng: Lá thường rộng và mọc đối xứng nhau, mặt trên và mặt dưới lá có cấu trúc gân lá đa dạng như hình lông chim, hình rẽ quạt. Thân hình trụ tròn và phân nhiều nhánh. Hoa của nhóm cỏ này cũng rất đa dạng gồm hoa đơn, hoa chùm. Các loại cỏ trong nhóm này gồm có: Rau bợ, cỏ đồng tiền, rau mác bao,...

- Nhóm cỏ chác lác: Lá mọc thành 3 hàng dọc theo thân, thân thường cứng, thẳng ruột có 3 cạnh. Nhóm cỏ này gồm có: Cỏ chác, cỏ lác rận, cỏ lác mỡ...

 

   Nhóm cỏ chác lác             Nhóm cỏ hòa bản

2. Biện pháp phòng trừ

a) Trước khi gieo sạ (Biện pháp canh tác)

- Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng, cỏ dại, gốc rạ, lúa chét, cỏ bờ đem tiêu hủy.

- Làm đất kỹ trước khi gieo trồng để tiêu diệt cỏ đã có trong ruộng. Trước khi sạ cần san mặt ruộng bằng phẳng, tránh đọng nước, có rãnh thoát nước, điều tiết nước dễ dàng để khống chế cỏ dại. Dùng lưới chắn hạt cỏ khi cho nước vào ruộng

- Chọn giống không bị lẫn hạt cỏ dại để gieo trồng. Gieo sạ mật độ thích hợp, không gieo sạ quá thưa tạo điều kiện cho cỏ dại phát sinh, phát triển. Thường xuyên dọn cỏ ven bờ ruộng, kênh mương, cắt bông cỏ còn sót trên ruộng trước khi cỏ kết hạt để tránh rụng xuống và tồn trữ trong đất.

b. Sau khi gieo sạ (Biện pháp hóa học)

Hiện nay, việc sử dụng thuốc hoá học để diệt trừ cỏ được coi là biện pháp hữu hiệu nhất vì nó tiết kiệm được công lao động, có thể sử dụng nhanh chóng trên diện rộng và được sử dụng ở nhiều thời điểm khác nhau. Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc trừ cỏ khác nhau, tùy theo điều kiện thời tiết, cây trồng, chân đất, tình hình cỏ dại trên đồng ruộng có thể sử dụng một trong các nhóm thuốc trừ cỏ sau:

- Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: Sử dụng một trong các loại thuốc trừ cỏ như Sofit 300EC, Prefit 300EC, … Liều lượng 50 ml thuốc pha 16 lít nước phun cho 1 sào (500 m2), phun kỹ, ướt đều trên bề mặt ruộng (Lưu ý: Phun thuốc khi cỏ chưa mọc hoặc mới mọc được 1 lá (khoảng 1 - 3 ngày sau sạ).

- Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm: Tùy theo tình hình cỏ dại trên đồng ruộng mà có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Topshot 60OD, Clincher 10EC, Ginga 33WG, Sunrice 15WDG, Nominee 10SC,… Liều lượng sử dụng như hướng dẫn ở trên bao bì của từng loại thuốc.

+ Đối với nhóm cỏ chác lác và cỏ lá rộng: Sử dụng thuốc Topshot 60OD, Ginga 33WG, Sunrice 15WDG, ...

+ Đối với cỏ lồng vực, đuôi phụng: Sử dụng thuốc Topshot 60OD (chỉ sử dụng khi cỏ có 1-1,5 lá), Clincher 10EC, Nominee 10 SC, ...

* Lưu ý: Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm có tác dụng khi cây cỏ đã có lá, thuốc xâm nhập vào cây chủ yếu qua lá, vì vậy trước khi phun các thuốc này phải rút bớt nước trong ruộng để lá cỏ nhô lên khỏi mặt nước mới tiếp xúc với thuốc. Sau khi phun thuốc phải đảm bảo ruộng đủ ẩm để thuốc phát huy hiệu lực trừ cỏ.

(Nguồn tham khảo: Thông báo số 141/HD-TrTrBVTV ngày 05/5/2023 của Chi cục Trồng trọt và BVTV)

Q.T



Lượt truy cập: 44981

Đang truy cập: 37