Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Một số lưu ý chăm sóc lúa vụ Đông Xuân giai đoạn từ phân hoá đòng đến chín

Hiện nay, lúa chân 2 vụ đang bước vào giai đoạn phân hoá đòng. Đây là giai đoạn cây lúa chuyển từ sinh trưởng dinh dưỡng sang sinh trưởng sinh thực. Vì vậy, để ruộng lúa cho bông to, nhiều hạt, đồng đều, đạt năng suất cao bà con nông dân cần lưu ý một số yêu cầu kỹ thuật như sau:

 04/03/2025 14:49:38 |  80

Một số lưu ý chăm sóc lúa vụ Đông Xuân giai đoạn từ phân hoá đòng đến chín

Lúa giai đoạn bắt đầu phân hoá đòng

1. Về dinh dưỡng

- Bón thúc đón đòng quyết định phần lớn năng suất của lúa vì đây là thời kỳ quyết định số hạt/bông và cần bón phân đúng thời điểm mới có hiệu quả cao. Thời điểm bón đón đòng là khi 2/3 số cây trên ruộng lá chuyển màu vàng chanh, chóp lá thắt eo, lúa tròn khóm, tròn cây, bộ lá đứng và cứng hơn.

- Lượng phân bón: phân urê  từ 2 - 3 kg/sào tùy theo màu xanh của lá lúa; phân kali bón 3 kg/sào.

(Lưu ý đối với những ruộng lúa có bộ lá quá xanh, tốt lốp thì không bón đạm (urê) mà bón tăng lượng kali).

- Giai đoạn lúa đòng già, trỗ bông: Nếu lúa sinh trưởng xấu (thiếu dinh dưỡng) bà con nông dân cần bón bổ sung nuôi đòng, nuôi hạt bằng phân urê 01 kg kết hợp với 01 kg phân kali bón cho 1 sào.

- Ngoài ra có thể sử dụng phân bón lá, kích thích sinh trưởng phun bổ sung khi thấy cần thiết như: KNO3, HK 7-5-44, ... (theo hướng dẫn trên bao bì).

2. Quản lý nước tưới

- Trong giai đoạn tượng khối sơ khởi - đòng già: Cho nước vào ruộng 3 - 5 cm, tiến hành bón phân đòng, duy trì mực nước ruộng 3 - 5 ngày,  sau đó để rút nước tự nhiên, khi trên mặt ruộng không còn nước (khoảng 1 - 2 ngày) thì tiếp tục cho nước vào ruộng 3 - 5 cm.

- Giai đoạn lúa bắt đầu trỗ - chín sữa (ngậm sữa): Duy trì mức nước ruộng 3 - 5 cm cho đến hết giai đoạn chín sữa.

- Từ chín sáp đến thu hoạch: 10 ngày trước thu hoạch đến khi thu hoạch rút cạn nước ruộng.

 

Mực nước trong ruộng lúa giai đoạn bắt đầu phân hoá đòng

3. Phòng trừ sâu bệnh hại

- Giai đoạn cây lúa làm đòng đến trỗ bông cũng là giai đoạn cây thường bị các loài sâu bệnh hại tấn công, vì vậy bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện và phòng trừ kịp thời.

* Rầy nâu:

- Biện pháp phòng:

+ Không trồng lúa liên tục trong năm, thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 20 ngày, không để lúa chét, nên gieo sạ  đồng loạt. Vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ, sử dụng giống lúa kháng rầy, không gieo sạ dày.

+ Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy trên ruộng lúa và  có biện pháp xử lý kịp thời.

- Biện pháp trừ:

+  Khi phát hiện rầy có mật độ trên 1.000 con/m2 trở lên (2 con/dảnh lúa giai đoạn trỗ) thì dùng một trong các loại thuốc đặc trị rầy sau để phun: Thuốc Chess 50 WG, liều lượng 3 gói (7,5 gam/gói) thuốc pha 24 lít nước phun 1 sào (500 m2); Thuốc Nipy Ram 50WP (Chet Ray), liều lượng 21 gam thuốc pha 24 lít nước phun 1 sào.

+ Đối với ruộng có mật độ rầy cao trên 4.000 con/m2, sử dụng 100 ml Bassa 50 EC hỗn hợp với 20 gam Titan 600WG pha 32 lít nước phun 1 sào; thuốc Nipy Ram 50WP (Chet Ray), liều lượng 28 gam thuốc pha 32 lít nước phun 1 sào.

* Bệnh khô vằn

Khi bệnh xuất hiện, sử dụng Validacin 3L, liều lượng 75 - 100 ml thuốc pha 24 lít nước phun cho 1 sào hoặc Anvil 5SC, liều lượng 50 ml thuốc pha 24 lít nước phun cho 1 sào.

* Bệnh lem lép hạt

Sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun phòng trừ bệnh: Nevo 330SC, liều lượng 20 ml thuốc pha với 24 lít nước phun cho một sào; Tilt Super 300EC, liều lượng 20 ml thuốc pha 24 lít nước phun cho 1 sào (nên phun kép 2 lần: lần 1 lúa trỗ lác đác, lần 2 lúa trỗ đều và phun vào chiều mát).

* Bệnh đạo ôn

- Biện pháp phòng: Bón phân cân đối đạm-lân-kali ở các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Khi bệnh xuất hiện phải dừng ngay việc bón phân nhất là đạm urê đơn độc, không sử dụng phân bón lá và chất kích thích sinh trưởng để phun cho cây lúa (sau khi phun thuốc bệnh dừng phát triển mới tiến hành bón phân và phun phân bón qua lá). Sử dụng một trong các thuốc sau để phun phòng khi bệnh chớm xuất hiện: Beam 75 WP, Flash 75 WP, Katana 20 SC …

- Biện pháp trừ: Phun một trong các loại thuốc: Fujione 40 WP (liều lượng 50 gam thuốc pha 24 lít nước phun 1 sào); Fujione 40 EC (liều lượng 100 ml thuốc pha 24 lít nước phun cho 1 sào); Ninja 35 SE (liều lượng 50 ml thuốc pha 20 lít nước phun 1 sào).

* Lưu ý: Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, nên phun thuốc phòng bệnh khi lúa mút đòng và sau khi trỗ đều để đạt hiệu quả cao nhất.

* Sâu cuốn lá nhỏ

- Biện pháp phòng: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại; mật độ sạ hợp lý; sử dụng phân bón hợp lý, đặc biệt không bón thừa phân đạm. Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu kịp thời. Phun thuốc phòng trừ khi sâu còn tuổi  1- 2 đạt hiệu quả cao nhất.

-  Biện pháp trừ: Sử dụng các một các loại thuốc: Takumi 20WG, Ammate 150SC, Peran 50EC, Proclaim 1.9EC, … Liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.

* Sâu đục thân

- Biện pháp phòng: Bố trí thời vụ để né tránh các đợt bướm ra rộ; cày lật đất, cho nước vào trước khi gieo cấy; bón phân cân đối; dùng đèn bẫy trưởng thành; ngắt ổ trứng, gom lại và đem tiêu hủy.

- Biện pháp trừ:

+ Đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh: Rải một trong các loại thuốc dạng hạt như: Patox 4GR, Vifu super 5GR, Vibam 5GR, … liều lượng 1 - 1,5 kg thuốc/sào. Chú ý giữ mực nước ruộng từ 5 - 7 cm.

+ Đối với lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - đòng trỗ: Phun một trong các loại thuốc đặc hiệu như: thuốc Virtako 40WG, liều lượng 3 gam thuốc pha bình 16 lít nước phun 1 sào; thuốc Voliam Targo 063SC, liều lượng 20 ml thuốc pha 16 lít nước phun cho 1 sào; thuốc Padan 95SP, liều lượng 30 gam thuốc pha 16 lít nước phun cho 1 sào (500 m2).

Lưu ý: Những nơi có mật độ bướm, trứng cao cần phun lại lần 2 sau lần 1 từ 4 - 5 ngày.

Nguyễn Cường



Lượt truy cập: 109356

Đang truy cập: 4294965863