Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Một số giải pháp kỹ thuật giúp dừa xiêm ra trái sai và liên tục

Bình Định là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn của cả nước với diện tích dừa đạt hơn 9.230 ha, dự kiến đến năm 2025 diện tích trồng dừa xiêm đạt 30% so với tổng diện tích dừa của cả tỉnh (khoảng 3.000 ha). Dừa xiêm hiện nay tập trung chủ yếu ở các huyện Phù Cát, Hoài Nhơn,… Để dừa xiêm ra trái nhiều và liên tục bà con cần lưu ý một số giải pháp kỹ thuật sau:

 21/03/2023 10:09:05 |  8871

Một số giải pháp kỹ thuật giúp dừa xiêm ra trái sai và liên tục

Cán bộ khuyến nông đang hướng dẫn chăm sóc vườn dừa xiêm

1. Ánh sáng

        Để đảm bảo lượng ánh sáng cho dừa bà con cần chú ý về mật độ trồng dừa hợp lý. Về mật độ trồng, cần bảo đảm khoảng cách tối thiểu giữa cây cách cây và hàng cách hàng tối thiểu 6,5 - 7m, như vậy thì cây dừa có thể nhận đủ ánh sáng để bảo đảm vườn dừa đạt năng suất tốt.

2. Về nước tưới

        - Mỗi cây dừa cần từ 15- 20 lít nước/ngày. Nếu bị hạn ở bất kỳ lúc nào quá trình phát triển đều ảnh hưởng lớn đến năng suất và kéo dài đến 2 - 3 năm tiếp theo.

       - Nên trồng xen trong vườn dừa bằng các loại cây chịu bóng râm: gừng, nghệ, rau má, diếp cá, cỏ voi… để giữ ẩm và tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Lưu ý khi trồng xen:

        + Trồng cách gốc dừa tối thiểu 2m.

        + Cây chịu bóng râm.

        + Không phải cây ký chủ nấm Phytopthora sp như bí đỏ, ớt…

3. Về dinh dưỡng

Nhu cầu dinh dưỡng đối với dừa như sau:  K>CL>N >P>Na>Ca.

Đối với dừa xiêm đang cho trái hàng năm bón phân như sau:

Dừa thời kỳ kinh doanh 

(năm thứ 4 trở đi)

 
ĐVT Số lượng
Phân hữu cơ vi sinh kg/cây/năm 25 - 30
Tro trấu kg/cây/năm 25 - 30
Muối hạt gam/cây/năm 100 – 200

Cách bón phân:

- Muối: Bón vào đầu mùa mưa, cho muối vào túi vải thưa bỏ trên ngọn dừa, hoặc trộn với phân hữu cơ vi sinh, tro trấu.

- Phân hữu cơ, tro trấu:

        + Cần làm sạch cỏ trong vòng bán kính 2 m quanh gốc trước khi bón phân.

        + Bón vòng tròn: Đào rãnh xung quanh gốc và cách gốc 2m, đào sâu từ 15 – 20 cm, bón phân và lấp đất lại (đối với đất thịt, đất sét).

        + Bón theo hốc: Đào 4-8 hốc nhỏ (kích thước: đường kính 60cm, sâu 20cm) chung quanh gốc dừa, cách gốc khoảng 1m, bón phân xuống hốc, lấp đất lại (đối với đất dốc).

        + Xới nhẹ đất trong vùng tập trung nhiều rễ, cách gốc từ 1,5 m đến 2,5 m (tùy theo tuổi của cây dừa), rải đều, khỏa đất lấp kín phân hoặc phủ mụn dừa hay lá dừa lên trên.

        - Thời điểm bón phân: Bón phân vào đầu mùa mưa và giữa mùa mưa trường hợp không có mưa sau khi bón phân phải tưới nước giữ ẩm.

4. Về quản lý sâu bệnh hại

         Sâu bệnh hại chính trên dừa xiêm: kiến vương, đuông dừa, bọ cánh cứng,…

         - Đối với bọ cánh cứng hại dừa:

        Áp dụng biện pháp sinh học để hạn chế bọ cánh cứng hại dừa vừa đạt hiệu quả cao và bảo vệ môi sinh môi trường: thả bọ đuôi kìm, phun nấm Metarhizium,… hiệu quả nhất là thực hiện vào mùa mưa, ẩm độ cao.

        - Đối với kiến vương, đuông dừa:

        + Thường xuyên vệ sinh vườn dừa;

        + Dùng vôi quét kín phần gốc dừa tơ một đoạn cao khoảng 1,5 m;

        + Dùng bẫy đèn và lưới bén để bẫy kiến vương vào ban đêm trong các vườn dừa;

       + Các cây dừa bị kiến vương, đuông dừa làm chết phải đốt, tiêu hủy (có thể ngâm dưới mương) hoặc xử lý bằng hóa chất để tránh lây lan./.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia



Lượt truy cập: 44981

Đang truy cập: 14