14/11/2024 10:08:40 | 34
Chị Đinh Thị Ni Na bên vườn súp lơ vàng. Ảnh - Nguyễn Cường
Nhằm từng bước chuyển giao, đa dạng các loại cây trồng mới phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào. Năm 2024, từ nguồn kinh phí chương trình khuyến nông của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện An Lão tiến hành thực hiện mô hình trồng thâm canh cây súp lơ vàng theo hướng an toàn với quy mô 500 m2, có 01 hộ tham gia tại thôn 1 xã An Toàn, huyện An Lão.
Qua hơn 2 tháng triển khai, cây súp lơ vàng rất “bén duyên” với vùng đất đặc biệt khó khăn này, cây sinh trưởng phát triển khá, cho bông đều, chất lượng bông tốt, bông chắc, thể hiện đúng đặc điểm nông học của giống. Chị Đinh Thị Ni Na, nông dân trực tiếp tham gia mô hình cho biết: “Tôi sống ở đây từ nhỏ, cây trồng chủ yếu là lúa, mỳ, lần đầu trồng cây súp lơ vàng, tôi không biết chăm sóc và trồng trọt như thế nào, được sự hướng dẫn, cầm tay chỉ việc của các anh khuyến nông từ việc ươm cây con, trồng ra ruộng, bón phân, phun thuốc… qua hơn 2 tháng trồng, tôi thấy cây súp lơ trồng cũng dễ”.
Bà Võ Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện An Lão cho biết: “Trung tâm Dịch vụ chúng tôi nhận mô hình trồng súp lơ vàng vào thời điểm đặc biệt khó khăn, mô hình triển khai trong vụ Thu Đông tại thôn 1 xã An Toàn, thời tiết mưa và lạnh, trình độ dân cư còn thấp, rất khó tiếp cận các giống cây trồng mới. Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ đã đôn đốc cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh bám sát cơ sở, cầm tay chỉ việc nhờ vậy qua hơn 2 tháng triển khai cây súp lơ vàng cho kết quả thành công”.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn chị Ni Na thu hoạch. Ảnh - Nguyễn Cường
Cây súp lơ vàng được Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai thành công tại các huyện đồng bằng như Tây Sơn, Tuy Phước, thị xã An Nhơn…, thời gian thu hoạch kéo dài từ 5 – 7 ngày. Vì vậy, để cây súp lơ được nhân rộng tại xã vùng sâu An Toàn cần có đơn vị liên kết từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất. Anh Phạm Trung Chiến, HTX chè Tiến Vua (xã An Toàn, huyện An Lão) cho biết: “Tiêu chí hoạt động của HTX là luôn đồng hành cùng với các thành viên của mình và bà con nông dân trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn xã An Toàn”.
Có thể khẳng định rằng, để cây súp lơ vàng có “chỗ đứng” trên xã vùng sâu đặc biệt khó khăn An Toàn cần phải có sự đồng hành của Nhà nước, Nhà nông, đơn vị liên kết tiêu thụ và đơn vị chuyển giao tiến bộ Khoa học Kỹ thuật. Trong những năm tới, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nhiều hơn nữa, để đồng bào các xã vùng sâu, vùng xa từng bước tiếp cận và xem nó là một nghề mới để từng bước nâng cao đời sống vật chất và xóa đói giảm nghèo./.
Nguyễn Cường
Lượt truy cập: 48635
Đang truy cập: 132