Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Liên kết tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi, hướng đi mang lại hiệu quả bền vững

Trong những năm gần đây, việc đẩy mạnh kết nối các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ hỗ trợ người sản xuất và người tiêu dùng mà còn góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp tại địa phương.

 19/12/2024 14:16:14 |  81

Liên kết tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi, hướng đi mang lại hiệu quả bền vững

Liên kết tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi, hướng đi mang lại hiệu quả bền vững

Năm 2024, từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 2 xã Ân Đức và Ân Thạnh (huyện Hoài Ân). Dự án hứa hẹn sẽ tạo bước tiến mới trong việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành thẩm định và lựa chọn 5 hộ dân đáp ứng đủ điều kiện tham gia mô hình. Các hộ tham gia được hỗ trợ 50% chi phí về con giống và vật tư, bao gồm vắc xin, hóa chất sát trùng, chế phẩm sinh học, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật xuyên suốt quá trình chăn nuôi.

Dự án có quy mô 10.000 con gà giống, được phân bổ cho 5 hộ dân theo hai đợt. Giống gà lông màu hướng thịt MD2-BĐ được lựa chọn để thả nuôi. Tỷ lệ sống đạt 96,58%, với khối lượng trung bình từ 1,91 kg/con đến 2,0 kg/con và tiêu tốn thức ăn bình quân 2,46 kg thức ăn/kg tăng trọng. Kết quả này cho thấy hiệu quả của việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến và hỗ trợ từ dự án, mang lại kinh tế cao cho các hộ chăn nuôi tham gia.

Kỹ sư chăn nuôi Trần Thúy An, cán bộ Trung tâm Khuyến nông, Chủ nhiệm Dự án chia sẻ: mô hình này được triển khai nhằm giúp người chăn nuôi định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết từ đầu vào đến đầu ra. Trong quá trình tham gia, các hộ chăn nuôi được tập huấn và chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật. Cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn từ khâu chuẩn bị chuồng trại, lắp đặt trang thiết bị đến áp dụng chế phẩm sinh học vào thức ăn và nước uống, giúp tăng cường khả năng tiêu hóa, sức đề kháng và phòng bệnh cho đàn gà.

Chị Nguyễn Thị Nhã Ca, thôn Thế Thạnh 2, xã Ân Thạnh, Trưởng nhóm hộ chăn nuôi, chia sẻ: Ngoài việc được hỗ trợ giống và vật tư, chúng tôi còn được Trung tâm Khuyến nông Bình Định chuyển giao toàn bộ quy trình kỹ thuật chăn nuôi và cam kết bao tiêu sản phẩm. Sau hơn 3 tháng nuôi từ khi thả giống, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, ít dịch bệnh, màu lông đẹp, đồng đều, và tỷ lệ sống cao.

Toàn bộ sản phẩm của lứa gà đầu tiên đã được Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân thu mua với giá cao. Việc bán sản phẩm trực tiếp thông qua hợp tác xã đã giảm thiểu các khâu trung gian, giúp người chăn nuôi tăng lợi nhuận đáng kể. Kết quả này không chỉ mang lại sự phấn khởi mà còn tạo động lực để các hộ tham gia yên tâm phát triển mô hình chăn nuôi gắn với chuỗi sản xuất bền vững.

Anh Lê Quốc Lập, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân, chia sẻ: Năm 2023, các hộ chăn nuôi ở hai xã Ân Hữu và Ân Nghĩa triển khai Dự án liên kết gắn với kết nối tiêu thụ sản phẩm rất hiệu quả. Từ đó, Nhóm hộ chăn nuôi được hình thành, tạo điều kiện để các hộ viên chia sẻ kinh nghiệm, chăn nuôi đúng quy trình và yêu cầu kỹ thuật.

Dựa trên kết quả đạt được, năm 2024, ngoài các hộ mới tham gia Dự án, các hộ đã thực hiện từ năm trước vẫn tiếp tục nhân rộng mô hình. Đặc biệt, sau lễ khai mạc Ngày hội Nông sản huyện Hoài Ân lần thứ II, tổ chức vào cuối tháng 5/2024, đã thu hút sự chú ý của người dân và du khách trong và ngoài tỉnh. Sự kiện này không chỉ tạo cơ hội quảng bá sản phẩm mà còn kết nối với các doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu hút các nhà đầu tư.

Đối với các hộ tham gia mô hình năm 2024, chúng tôi yêu cầu tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật chăn nuôi, nhằm nâng cao kinh nghiệm, đồng bộ hóa quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng thịt đáp ứng yêu cầu thị trường. Điều này sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm và tăng cường sự ổn định trong chuỗi liên kết.

Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, chia sẻ: Dự án do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ đã được triển khai từ năm 2023 đến năm 2024. Ngày 9/12/2024, Dự án đã tổng kết và ghi nhận kết quả vượt chỉ tiêu đề ra, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 24,18% so với phương thức nuôi đại trà tại địa phương. Thực tế triển khai cho thấy mô hình này phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện Hoài Ân, giúp các hộ dân tận dụng tối đa đất gò và vườn cây gia đình để phát triển chăn nuôi.

“Để đạt được hiệu quả kinh tế cao, yếu tố đầu tiên là phải chọn con giống tốt, phù hợp với nhu cầu nuôi và thực hiện phòng chống dịch bệnh thường xuyên, đúng cách. Đây là những yếu tố quyết định giúp đàn gà khỏe mạnh và phát triển nhanh. Ngoài ra, các hộ tham gia mô hình đã nắm vững các kỹ năng quan trọng như tính toán khẩu phần ăn hàng ngày, phối trộn thức ăn theo từng giai đoạn phát triển của gà, thực hiện tiêm phòng, phát hiện và điều trị một số bệnh thường gặp”, ông Huỳnh Việt Hùng cho biết thêm.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh (thứ 3 từ trái qua) cùng các đại biểu tham quan quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm huyện Hoài Ân.

Nhờ vào những kết quả tích cực đạt được trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục chọn huyện Hoài Ân làm địa điểm triển khai Dự án trong năm 2024. Việc tiếp tục triển khai này không chỉ nhằm đánh giá toàn diện hiệu quả của mô hình từ khâu chọn con giống đến tiêu thụ sản phẩm mà còn để phát huy tiềm năng chăn nuôi tại địa phương.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền. Các hộ nông dân khác được khuyến khích tham quan, học tập để nhân rộng mô hình theo hướng bền vững. Đây được xem là bước quan trọng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người chăn nuôi thông qua việc tăng thu nhập mà còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm chất lượng cao, đồng thời góp phần xây dựng cộng đồng vững mạnh. Với những lợi ích đó, mô hình được kỳ vọng sẽ trở thành hướng đi chủ lực, đặc trưng trong phát triển nông nghiệp của huyện Hoài Ân./.

Nhi Trần



QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về lĩnh vực bảo vệ môi trường nông nghiệp
QUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về lĩnh vực bảo vệ môi trường nông nghiệp
KẾ HOẠCH Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Quyết định Ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Triển khai thực hiện Đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Phụ lục Kế hoạch thông tin tuyên truyền năm 2025 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định của Trung tâm Khuyến nông
Phê duyệt Kế hoạch thông tin tuyên truyền năm 2025 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định của Trung tâm Khuyến nông
Phê duyệt Kế hoạch thông tin tuyên truyền năm 2025 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định của Trung tâm Khuyến nông
Phê duyệt Kế hoạch thông tin tuyên truyền năm 2025 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định của Trung tâm Khuyến nông

Lượt truy cập: 70645

Đang truy cập: 715