![]() |
18/03/2025 14:39:12 | 46
Ông Trần Hữu Khánh chèo sõng ra thăm cánh rừng ngập mặn. Ảnh: Trương Định
Ông Trần Hữu Khánh ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) nay đã 80 tuổi, là một người dân địa phương có hiểu biết sâu sắc về hệ sinh thái của rừng ngập mặn. Nhờ ý thức được những lợi ích mà rừng ngập mặn mang lại, từ nhiều năm nay, ngoài việc nhận khoán bảo vệ 4 ha rừng ngập mặn của Trung tâm Khuyến nông, ông còn tự trồng cây đước xung quanh bờ ao nuôi thủy sản rộng gần 5 ha của gia đình.
“Không riêng gì tôi, nhiều hộ dân ở đây cũng tự ươm giống trồng rừng ngập mặn bao quanh diện tích nuôi thủy sản để chống xói lở, tạo cảnh quan xanh mát”, ông Khánh cho hay.
Trong đợt kiểm tra rừng ngập mặn vừa qua, tôi cùng ông Khánh ngồi trên chiếc sõng nhỏ, mỗi lần ông khua mái chèo, chiếc sõng chao lắc như cứ chực lật úp. Thế nhưng sau mấy lượt với đôi tay điêu luyện của ông chiếc sõng dần “nhẹ nhàng”, bắt đầu lướt êm qua những vạt rừng cây đã cao xanh mướt, rễ tua tủa trông rất bề thế.
“Cứ vào khoảng tháng 4 âm lịch là bần bắt đầu ra trái, kéo dài đến đầu tháng 10, từ khi nó ra hoa đến khi trái già là 3 tháng rưỡi, lúc ấy có thể hái trái về ươm cây giống để trồng. Ngoài bần chua và bần trắng, rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại còn trồng các loại cây mắm và cây đước. Cây mắm và cây đước vào khoảng tháng 7 tháng 8 hàng năm là mùa hái trái để ươm giống”, vừa khua mái chèo ông Khánh vừa phân tích.
Qua câu chuyện, tôi biết ông là một người nông dân nhiệt huyết với rừng và tâm huyết dành cho việc chăm sóc và bảo vệ cánh rừng ngập mặn. Nhìn cây nào cây nấy cũng to khoẻ, sung mãn, tôi nghĩ chẳng bão gió nào có thể quật ngã được nó. Ông bảo khi rừng ngập mặn đã trưởng thành sẽ tạo cảnh quan đẹp đến hút mắt người nhìn, đồng thời bộ rễ của nó trở thành nơi trú ngụ của tôm, cua, cá, góp phần tạo nên hệ sinh thái rất phong phú, đa dạng.
Ao nuôi tôm của ông nằm cách cánh rừng ngập mặn mà ông nhận khoán bảo vệ chừng 100 m, xung quanh bờ ao được trồng cây đước để giữ bờ khỏi lở. Nhìn bộ rễ của cây đước tôi thấy khác xa so với bộ rễ của những cây bần ngoài kia. Rễ cây đước kết thành chùm, vồng lên, trông như cái nơm cắm xuống nước. Còn cây bần rễ cắm sâu vào đất rồi tỏa ra xung quanh, ngoi lên mặt nước như để tìm không khí. Theo giải thích của ông, bần là loại cây có khả năng vượt trội về sức sống dẻo dai, thích ứng với môi trường nước mặn, đây cũng là loại cây được lựa chọn trồng nhiều ven đầm Thị Nại, nó giúp giữ đất và cải thiện rõ rệt môi trường nước của đầm.
Rừng ngập mặn ở Bình Định được Trung tâm Khuyến nông trồng, chăm sóc đến khi chúng được 4 năm tuổi. Giai đoạn này, cây con dễ bị các loại ốc, hàu, hà... bám trên cây, lá, ngoài ra còn có loài giáp xác chân đều (S.terebrans) làm tổn hại đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, vì vậy, cần phải được chăm sóc và kiểm tra kỹ lưỡng. Từ năm thứ 5 trở đi, cây cứng cáp hơn sẽ được khoán cho người dân có tâm huyết bảo vệ. Còn diện tích rừng ngập mặn trong Khu sinh thái Cồn Chim được cán bộ, nhân viên của đơn vị chăm sóc bảo vệ.
Sự cống hiến của ông Khánh cho việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây rừng ngập mặn không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn tạo ra một không gian sống xanh cho cộng đồng. Ông đã chứng minh rằng mỗi cá nhân chúng ta đều có thể đóng góp vào việc bảo vệ thiên nhiên, và tình yêu đối với rừng./.
Mỹ Lầm
Lượt truy cập: 109356
Đang truy cập: 4294965869