23/12/2022 08:21:26 | 394
Rác thải được xử lý bằng chế phẩm AT-BiO. Ảnh - QT
Bước 1. Làm thùng ủ rác và chọn vị trí đặt thùng
Chọn thùng ủ rác: Chọn loại thùng bằng nhựa, hình tròn, dung tích 100 – 500 lít được bán trên thị trường; Vách thùng được khoan nhiều lỗ nhỏ cách nhau 10 – 15 cm đều nhau. Hai bên thành thùng gần mép đáy thùng được khoan 01 cửa vuông, kích thước 25 cm x 25 cm để lấy rác đã hoai mục ra. Tùy vào từng điều kiện có thể tận dụng thùng xốp, các xô chậu nhựa đã qua sử dụng để ủ.
* Lưu ý:
- Nếu sử dụng các thùng ủ rác tự chế từ thùng nhựa hay thùng xốp cần có nắp đậy và tạo các lỗ nhỏ để thông thoáng và thoát nước. Tránh việc để thùng không thoát được nước sẽ gây bốc mùi khó chịu và thời gian rác phân hủy bị kéo dài.
- Chọn vị trí đặt thùng: Cách xa nguồn nước sinh hoạt, làm bệ bằng gạch, bệ xi măng, đặt chậu nhựa để thu nước rỉ từ rác.
Bước 2. Chuẩn bị các dụng cụ
- Bình phun tay 02 lít.
- Muỗng canh dùng định lượng vi sinh. .
- Xô, ca múc nước.
Bước 3. Chuẩn bị nguyên liệu
- Chế phẩm AT – BiO dạng dung dịch để khử mùi rác thải (chai 01 lít, can 20 lít; TCCS 03:2018/AT).
- Chế phẩm AT – BiO dạng bột để xử lý rác thải (200 gram/gói, 10 kg/bao; TCCS 02:2018/AT).
- Rác thải hữu cơ, lá cây trong vườn, rơm rạ (nếu có).
Bước 4. Tiến hành ủ rác thải
- Rác thải hữu cơ (rau, trái cây, thực phẩm, phân gia súc, lá cây trong vườn …) sau khi được phân loại, cho vào thùng ủ.
* Lưu ý không đưa vào thùng ủ các loại lá bạch đàn, lá tràm, lá sả tươi, vỏ cam, quýt vì các loại này chứa tinh dầu làm hại đến sự phát triển của vi sinh vật.
- Ủ rác thải và phun chế phẩm: Pha 02 gam bột chế phẩm vi sinh AT – BiO trong 01 lít nước, cứ mỗi lần đưa rác thải vào thùng ủ (khoảng 03 kg rác) là mỗi lần phun chế phẩm vi sinh AT – BiO đã pha sẵn. Sau đó, đậy kín thùng rác bằng nắp thùng để tránh ánh nắng mặt trời. Thời gian ủ rác kéo dài từ 30 – 40 ngày.
- Khử mùi hôi thối ở thùng ủ: Pha 100 ml chế phẩm AT – BiO dạng dung dịch với 02 lít nước và phun đều cho 10 m2 bề mặt rác (chế phẩm sau khi pha có thể sử dụng trong vòng 30 ngày); ngoài ra trong quá trình ủ nếu có phát sinh mùi hôi thì phun bổ sung để khử mùi hôi.
Bước 5. Theo dõi và kiểm tra rác ủ
Sau khi ủ rác từ 7 – 10 ngày, mở nắp thùng ủ ra kiểm tra:
- Độ ẩm của rác ủ: Duy trì độ ẩm 50 – 60% cho rác ủ, nếu khô thì phun thêm nước hoặc tận dụng nước rỉ rác để tăng ẩm cho rác.
- Kiểm tra nhiệt độ rác ủ: Khi đó nhiệt độ trong đống ủ đạt 50 – 600C để các vi sinh vật có lợi trong chế phẩm AT – BiO hoạt động, ức chế và tiêu hủy các vi sinh vật gây hại.
- Kiểm tra nước rỉ rác, nếu độ ẩm của rác cao có thể thu nước rỉ qua van thu nước bên dưới thùng, pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:10 để tưới cây.
Bước 6. Lấy rác thải đã hoai mục ra ngoài
- Sau 30 – 35 ngày thì rác thải sẽ hoai mục, tiến hành lấy rác hoai mục ra ngoài dùng bón cho cây trồng.
- Rác hoai mục tơi xốp, mịn, không có mùi hôi thối, ngả màu nâu đen đem bón cho rau màu, cây kiểng.
* Lưu ý:
- Nếu rác hoai mục lấy ra còn bị ướt, chưa mịn thì nên đem ủ lại vào thùng ủ và trộn chung với rơm rạ, lá cây khô hoặc tro bếp để giảm độ ẩm của rác hoai mục.
- Rác hoai mục sau khi lấy ra khỏi hố ủ, tốt nhất nên để 1 – 2 ngày sau để giảm nhiệt độ mới đem bón cho cây trồng./.
(Nguồn: Hướng dẫn xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP thuộc Dự án Rau an toàn tỉnh Bình Định theo Quyết định số 368/QĐ-SNN ngày 31/5/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT).
Quang Thạch
Lượt truy cập: 48670
Đang truy cập: 127