![]() |
08/08/2024 09:26:18 | 2155
Cây Dừa nước (Nypa fruticans)
I. Điều kiện gây trồng
Dừa nước thường mọc trong những vùng đầm lầy dọc hai bên bờ sông hay ven cửa biển có thủy triều lên xuống. Hoặc những dòng sông, kênh, rạch nước chảy chậm bồi đắp phù sa dinh dưỡng.
- Đất đai: Thích hợp trên đất có hàm lượng bùn sét tương đối cao, độ thành thục thấp.
- Khí hậu: Nhiệt độ trung bình tháng trên 200C, lượng mưa trung bình năm từ 1.300 - 2.400 mm/năm.
- Độ mặn của nước: Dừa nước có khả năng chịu mặn thấp, độ mặn của nước trong mùa mưa từ 0-50/00, mùa khô từ 10-150/00.
Điều kiện gây trồng cây Dừa nước trong bảng 1 sau:
Bảng 1. Điều kiện gây trồng cây Dừa nước
Điều kiện thuận lợi (Nhóm I) |
Điều kiện trung bình (Nhóm II) |
Điều kiện khó khăn (Nhóm III) |
|
Thể nền |
Đất bùn mềm; hoặc đất có tỷ lệ cát <30%. |
Đất bùn chặt, hoặc đất có tỷ lệ cát từ 30-50%. |
Đất sét cứng hoặc đất có tỷ lệ cát từ 50- 75%. |
Số ngày ngập triều |
Từ 20-25 ngày/tháng |
Từ 10-19 ngày/tháng |
Từ 5-9 ngày/tháng hoặc >25 ngày/tháng |
Thời gian phơi bãi |
5-8 giờ/ngày |
Trên 8-14 giờ/ngày |
Trên 14-19 giờ/ngày hoặc <5 giờ/ngày |
Dạng lập địa |
Ib |
Ic, Id |
Ie |
II. Thu hái và bảo quản trái giống
1. Nguồn giống
Nguồn giống được thu, hái trong rừng ngập mặn nơi có Dừa nước phân bố tự nhiên. Cây mẹ được chọn là những bụi cây có độ vượt trội 10% về chiều cao trở lên so với 30 bụi xung quanh; sinh trưởng tốt, tán dày, cân đối; không bị sâu bệnh.
2. Thu hái và bảo quản
- Đặc điểm trái giống: Đường kính trái từ 4,5-5,5 cm, chiều dài từ 8-10 cm. Một kg trái giống Dừa nước có bình quân từ 10-12 trái, mỗi trái có 1 hạt.
- Thời vụ thu hái: Mùa vụ thu hái trái Dừa nước từ tháng 2 đến tháng 4.
- Chọn những trái còn nguyên vẹn không bị sâu, bệnh.
- Cách thu hái: Dùng lưới đặt ở đầu kênh rạch có các quần thụ Dừa nước tự nhiên để thu vớt trái, hoặc thu trái chín trực tiếp từ cây mẹ.
- Phân loại, bảo quản trái giống: Sau khi thu hái, tuyển chọn trái tốt, loại bỏ các trái nhỏ, lép trước khi bảo quản. Bảo quản trái giống bằng cách ngâm trong nước thủy triều hoặc rải một lớp mỏng dưới 10 cm nơi thoáng mát và thường xuyên tưới nước để giữ ẩm. Thời gian bảo quản trái giống không quá 60 ngày.
III. Tạo cây con
1. Vườn ươm
- Vườn ươm cố định đặt ở nơi có điều kiện thuận lợi về giao thông để vận chuyển cây giống, gần địa điểm trồng rừng và có nền đất tương đối bằng phẳng, ưu tiên nơi có thủy triều lên xuống thường xuyên.
- Vườn ươm tạm thời đặt ở những nơi có sóng biển yếu, địa hình thấp, thủy triều lên xuống thường xuyên, thời gian phơi bãi trên 8 giờ/ ngày.
- Luống ươm có chiều rộng từ 1,0-1,2m, chiều dài tùy theo địa hình của vườn ươm nhưng không dài quá 15m để dễ dàng chăm sóc và kiểm tra độ ngập của luống bầu. - Giữa các luống có lối đi rộng từ 50-60cm để chăm sóc và cũng là bờ luống. Đối với vườn ươm ngập nước (luống chìm) thì chiều sâu của luống tùy thuộc chiều cao của bầu thấp hơn mặt lối đi ít nhất 5cm. Đầu các luống có rãnh thoát nước khi thủy triều rút; hoặc sử dụng vườn ươm bằng phẳng có bờ bao xung quanh, chiều dài luống dọc theo hướng thủy triều lên xuống.
- Đối với vườn ươm không ngập nước thì không cần làm luống chìm. Đối với luống ươm cây rễ trần, nền đáy luống cần trải nilon để ngăn không cho rễ ăn sâu xuống nền đất.
2. Xử lý trái giống
Sau khi thu hái trái giống về ngâm trong nước lợ (0,5 – 5 0/00) hoặc nước ngọt, hoặc chất thành đống ủ cho đến khi trái nẩy mầm (nứt nanh) hoặc bắt đầu ra rễ thì cấy vào bầu hoặc cấy trên luống.
3. Tạo bầu, cấy cây
- Loại túi bầu: Sử dụng túi bầu polyetylene (PE) hoặc túi bầu sinh học có độ bền cao chịu được điều kiện ngâm trong nước biển; không bị hư hỏng trong quá trình đóng bầu; có lỗ nhỏ ở xung quanh đáy bầu để lưu chuyển nước. Kích thước túi bầu 18x22cm (chu vi 36cm, cao 22cm) hoặc bầu có kích thước 22 x 25cm (chu vi 44cm, cao 25cm) hoặc bầu có thể tính tương đương với kích thước trên.
- Hỗn hợp ruột bầu: Sử dụng tầng mặt đất rừng ngập mặn có độ thành thục ổn định (bùn chặt, sét mềm) ở độ sâu 0-20cm để đóng bầu. Trong trường hợp đất nghèo dinh dưỡng thì tạo hỗn hợp ruột bầu theo tỷ lệ 60% đất với 30% xơ dừa, 9% phân chuồng hoai hoặc phân hữu cơ vi sinh và 1% Supe lân tính theo khối lượng, đập nhỏ, trộn đều hỗn hợp ruột bầu để đóng bầu.
- Đóng bầu, cấy cây: Cho hỗn hợp ruột bầu tới 1/3 chiều cao túi bầu, lèn chặt để định hình bầu, sau đó đặt trái vào giữa bầu và cho hỗn hợp đầy tới miệng bầu.
- Xếp bầu: Xếp bầu thành hàng để dễ dàng kiểm tra số lượng. Sau khi xếp bầu, dùng bùn lấp xung quanh luống để giữ bầu. Đối với vườn ươm không làm luống chìm thì thực hiện xếp bầu như đối với ươm các loài cây trên cạn.
- Cấy dặm: Sau khi cấy vào bầu 7- 10 ngày, kiểm tra tỷ lệ mầm còn sống và tiến hành cấy dặm những bầu có mầm bị héo hoặc chết.
4. Tạo luống, gieo ươm cây rễ trần
- Tạo luống: Đất làm luống gieo hạt được cày tơi, bừa kỹ và phơi ải trong thời gian từ 15-20 ngày, đập nhỏ, sàng kỹ để loại bỏ cỏ dại và tạp chất. Dùng đất màu mỡ hoặc trộn đất tỷ lệ 90% đất tơi xốp, 9% phân hữu cơ và 1% phân NPK để làm đất gieo hạt. Làm luống gieo hạt chiều rộng 1,2 mét, chiều dài tùy theo diện tích của vườn ươm. Dùng Formalin để phun lên mặt luống trước khi gieo hạt khoảng 15 ngày để phòng trừ nấm bệnh (1 lít Formalin 38% trong 15 lít nước phun cho 40 m2 mặt luống).
- Cấy trái: Trước khi gieo/cấy trái giống, cần cho nước ngập mặt luống từ 2-3 ngày để đất đủ nước. Sau đó cấy vào trái bằng cách ấn nhẹ nhành phần rễ của trái giống với chiều sâu bằng 2/3 chiều dài trái giống. Trái giống được cấy cách nhau 15 – 20 cm, mỗi luống cấy 5 hàng, cấy trái giống vào ngày râm mát
- Cấy dặm: Sau khi cấy 7- 10 ngày, kiểm tra tỷ lệ mầm còn sống và tiến hành cấy dặm những chỗ có mầm bị héo hoặc chết.
5. Chăm sóc cây con trong vườn ươm
a) Làm giàn che, điều tiết nước
- Làm giàn che sáng khoảng 25-50% cho cây con trong thời gian khoảng 2-4 tuần đầu. Sau 1-3 tháng, tùy theo tình hình thời tiết và tình trạng của cây mà điều chỉnh tỉ lệ che sáng cho phù hợp. Sau 3 tháng thì dỡ bỏ giàn che hoàn toàn khi cây con đã cứng cáp. Nếu gieo hạt trên luống để cấy cây mạ vào bầu thì duy trì giàn che đến khi nhổ cây mạ cấy vào bầu.
- Điều tiết nước: Luống gieo cần luôn luôn đủ ẩm. Khi mới gieo, mỗi ngày tưới 2 lần vào buổi sáng và chiều tối. Khi cây đã lớn, nhu cầu nước tăng lên, cần tưới nước nhiều hơn. Đối với vườn ươm ở địa hình có ngập triều thì lấy nước vừa ngập mặt bầu và xả nước khi thủy triều xuống. Những ngày không ngập triều thì tưới tràn ngập mặt bầu sau đó xả nước như khi ngập thủy triều.
b) Nhổ cỏ, phá váng, đảo bầu
- Nhổ cỏ, phá váng: Thực hiện nhổ cỏ thường xuyên, xới đất thông thoáng, tăng khả năng thấm nước, giảm sự bốc hơi bề mặt.
- Đảo bầu (đối với cây con ươm trong bầu): Dừa nước có hệ rễ phát triển, cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi để đảo bầu, định kỳ từ 2-3 tháng/lần, để tránh rễ ăn sâu vào đất, cắt rễ khi cây có rễ đâm ra ngoài. Cần đảo bầu trước khi xuất vườn 1 tháng, đảo bầu kết hợp với phân loại cây (tốt, xấu) để có chế độ chăm sóc thích hợp.
c) Bảo vệ
- Làm hàng rào bảo vệ bằng lưới xung quanh vườn để ngăn chặn còng, cáy phá hại cây con.
- Gỡ bỏ vật liệu và các sinh vật bám vào trụ mầm và gây hại cây con.
6. Tiêu chuẩn cây con đem trồng
Bảng 2. Tiêu chuẩn cây con Dừa nước đem trồng
Điều kiện gây trồng |
Tuổi cây con (tháng) |
Kích thước túi bầu (cm) |
Số bẹ lá |
Chiều cao (cm) |
Chỉ tiêu khác |
1. Trồng bằng cây rễ trần |
|
|
|
||
Nhóm I |
3-6 |
|
2-4 |
40-60 |
|
Nhóm II |
6-9 |
|
4-6 |
60-80 |
|
Nhóm III |
9-12 |
|
6-8 |
80 - 100 |
|
2. Trồng bằng cây con có bầu |
|
|
|
||
Nhóm I |
3-6 |
18x22 |
2-4 |
40-60 |
|
Nhóm II |
6-9 |
18x22 |
4-6 |
60-80 |
|
Nhóm III |
9-12 |
22x25 |
6-8 |
80 - 100 |
IV. Trồng rừng
1. Thời vụ
Trồng rừng bằng cây con vào giữa mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 12; đối với vùng Nam Bộ (ven biển Đông từ tháng 6 – 10, ven biển Tây từ tháng 11 – 12); đối với ven biển Nam Trung Bộ, từ tháng 1 đến tháng 4; ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ tháng 4- 5 và tháng 8-9 (Bảng 10). Nên chọn thời điểm ít có gió mạnh và sóng biển thấp nhất trong năm để trồng rừng.
2. Phương thức
- Trồng thuần loài, bố trí theo nanh sấu.
- Trồng hỗn giao theo hàng với Bần không cánh (Sonneratia apetala), Bần chua (Sonneratia caseolaris).
3. Mật độ
Bảng 4. Mật độ trồng rừng Dừa nước
Phương thức trồng |
Nhóm I |
Nhóm II |
Nhóm III |
Trồng thuần loài bằng cây rễ trần |
1.600cây/ha Khoảng cách (2,5 x 2,5m) |
2.000 cây/ha, Khoảng cách (2,0 x 2,5m) |
2.500 cây/ha, Khoảng cách (2,0 x 2,0 m) |
Trồng thuần loài bằng cây con có bầu |
1.100 cây/ha Khoảng cách (3,0x3,0m) |
1.600 cây/ha Khoảng cách (2,5 x 2,5m) |
2.000 cây/ha, Khoảng cách (2,0 x 2,5m) |
Trồng hỗn giao bằng cây con có bầu |
Dừa nước có thể trồng hỗn loài với hoặc Bần không cánh, Bần chua. Mật độ trồng như trồng thuần loài. Trông hỗn giao theo theo băng, tỷ lệ hỗn loài 6 hàng Dừa nước, 2 hàng loài khác (3:1) hoặc 4 hàng Dừa nước, 2 hàng loài khác (2:1). |
4. Làm đất
- Nhóm I: Điều kiện thuận lợi, trồng Dừa nước nơi lập địa dễ, không cần làm đất, khi trồng, dùng dụng cụ phù hợp tạo hố có kích thước vừa đủ lớn phù hợp với kích thước của túi bầu để trồng.
- Nhóm II: Điều kiện trung bình, đào hố kích thước 30x30x30cm.
- Nhóm III: Điều kiện khó khăn
+ Đối với những khu đất gò cao, đất sét cứng ít khi ngập nước triều (lập địa Ie): cần tạo cho đất ẩm ướt bằng cách đào các mương dẫn nước. Các mương song song với bờ thửa đất, cách nhau khoảng 4-6 m, mương rộng khoảng 1,0m và sâu ít nhất là 0,5 m. Số lượng, kích thước và cách bố trí mương tùy thuộc vào cao trình và địa hình của điểm trồng rừng. Đất bỏ lên trên mặt liếp và san phẳng để trồng cây.
+ Đối với nơi đất ngập triều thường xuyên (lập địa Ia): Cần đắp thành các líp, song song, cách nhau khoảng 4-6 m, hoặc 10-12 m; mương rộng khoảng 2 – 4m và sâu ít nhất là 0,5-1,0m. Số lượng, kích thước và cách bố trí mương tùy thuộc vào cao trình và địa hình của điểm trồng rừng. Đất đắp thành bờ một bên hoặc rải lên trên mặt luống và san phẳng để trồng cây. Tiến hành đào hố với kích thước 30 x 30 x 30 cm;
Trường hợp không lên líp, cần đắp thành các mố, kích thước 50x50x50 cm để trồng cây.
5. Kỹ thuật trồng
a) Đối với cây con có bầu:
- Vận chuyển cây giống: Trước khi vận chuyển cây đến nơi trồng, cần đưa cây lên bờ từ 3-5 ngày, cho ráo nước. Dùng sọt, ván, thuyền để vận chuyển cây, tránh vỡ bầu, đứt rễ.
- Trồng cây khi thuỷ triều rút, chờ thủy triều xuống bằng mặt bãi thì tiến hành trồng. Bóc túi bầu trước khi trồng (túi bầu sinh học phân hủy dưới 1 năm sau khi trồng không cần bóc bầu) và không làm đứt rễ cây con, đặt cây con thẳng đứng, sau đó cho đất bùn vào hố và nhấn chặt (không được làm vỡ bầu) để cây không bị ngã đổ. Chú ý phải nhặt và gom hết túi bầu PE ra khỏi hiện trường trồng rừng.
- Những nơi sóng biển to, sau khi trồng, cây vẫn có thể bị sóng làm vỡ bầu, trôi cây, có thể đan rọ (giỏ) bằng tre, nứa hoặc vật liệu thích hợp có thể phân hủy trong thời gian dưới 1 năm, kích thước rọ sao cho bỏ vừa lọt bầu, cự ly các nan đan từ 3-4cm, trước khi trồng 20-30 ngày bóc bỏ túi bầu và chuyển vào rọ.
b) Đối với cây con rễ trần:
- Nhổ cây, vận chuyển cây giống: Trước khi nhổ cây từ 1- 2 ngày cần tưới nước ngập luống, sau đó tiến hành nhổ cây, tránh làm đứt rễ. Vận chuyển cây đến nơi trồng, dùng sọt, ván, thuyền để vận chuyển cây, tránh làm đứt rễ.
- Trồng cây: Khi thuỷ triều rút, tiến hành đặt cây con vào hố theo hướng thẳng đứng, sau đó cho đất bùn vào hố và nhấn chặt để cây không bị ngã đổ.
c) Cắm cọc, cột dây
- Cắm cọc giữ cây: Có thể cắm 1 cọc/cây, tùy thuộc vào mức độ sóng biển. Cọc bằng các vật liệu sẵn có ở địa phương như: Tre, Cọc gỗ v.v... Cọc có kích thước dài từ 1,0-1,5m, đường kính từ 2-3cm.
- Dùng 1 đầu dây mềm buộc vào thân cây/bẹ lá, sau đó buộc phần dây còn lại vào cọc. Chú ý buộc dây sao cho chặt để thân cây không được xê dịch, cọ xát vào cọc làm hỏng vỏ thân, cây sẽ bị chết hoặc dễ bị nhiễm bệnh nơi có vết thương.
6. Trồng dặm
- Sau khi trồng khoảng 1 tháng cần kiểm tra lại diện tích rừng đã trồng nếu có cây chết, cây trôi nổi, tiến hành tra dặm ngay:
+ Cây chết ít (≤ 10% số cây) và rải rác thì không trồng dặm.
+ Cây chết nhiều hơn tỷ lệ nghiệm thu theo quy định hoặc chết thành từng đám, cần trồng dặm.
Bảng 5. Tỷ lệ trồng dặm Dừa nước theo nhóm lập địa
Điều kiện gây trồng |
Tỷ lệ trồng dặm so với mật độ trồng chính |
||
Năm thứ 1 |
Năm thứ 2 |
Năm thứ 3 |
|
Nhóm I, II |
15% |
10% |
5% |
Nhóm III |
20% |
10% |
5% |
V. Chăm sóc và bảo vệ rừng
1. Chăm sóc rừng
- Thời gian chăm sóc 5 năm (năm trồng và 4 năm chăm sóc).
- Số lần chăm sóc: Năm trồng rừng, năm thứ 1 và thứ 2: Từ 2-4 lần; Năm thứ 3, thứ 4: Từ 1-3 lần. Số lần chăm sóc phụ thuộc vào địa điểm trồng rừng ở những nơi có nhiều hay ít rác và nơi có Hà bám.
- Nội dung chăm sóc:
+ Vớt bỏ rác thải, rong, rêu, tảo bám trên thân, lá tạo điều kiện cho cây con quang hợp tốt.
+ Dựng lại cọc, buộc lại cây bị nghiêng, đổ.
+ Gỡ bỏ ấu trùng Hà bám vào cây.
+ Cắt dọn bẹ lá già.
2. Bảo vệ rừng
- Chọn và sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu hại như các chế phẩm Beauverine (B.B), Bacilline (B.T), Virut, Metarrhizium. Bảo vệ các loài thiên địch như chim ăn sâu, côn trùng có lợi, các loài ong ký sinh trên trứng và sâu non của sâu hại cây ngâp mặn.
- Đối với rừng Dừa nước thường có sâu róm ăn lá thuộc họ Ngài độc (Lymantridae) phát triển mạnh thành dịch vào tháng 2-3 dương lịch theo chu kỳ từ 3-5 năm 1 lần. Trường hợp cần sử dụng thuốc trừ sâu để diệt sâu ăn là thì chỉ sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc thực vật, chóng phân giải, ít độc hại với người và gia súc như các loại thuốc có gốc Perythroide.
- Làm hàng rào bảo vệ, chắn rác, hạn chế tàu thuyền đi lại bằng các vật liệu sẵn có tại địa phương. Hàng rào có độ bền ít nhất là 3 năm sau khi trồng rừng.
- Làm các biển báo nghiêm cấm các hoạt động khai thác, đánh bắt các loài thủy sản trong khu vực trồng rừng. Nghiêm cấm tàu, thuyền neo đậu và đi lại trong khu rừng mới trồng.
- Ngăn chặn các hành vi chặt, phá rừng, xâm hại rừng và phòng trừ các loài sinh vật, sâu bệnh hại.
- Không nên đắp đất, quây lưới ngăn dòng chảy trong rừng trồng để nuôi trồng thủy sản hoặc sản xuất kết hợp trong thời gian 5 năm đầu. Các năm tiếp theo, nếu có các hoạt động nuôi trồng thủy sản, cần có phương án tránh tổn hại đến rừng trồng.
(Theo Quyết định số 4147/QĐ-BNN-TCLN ngày 25/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ban hành hướng dẫn kỹ thuật trông rừng đối với 4 loài cây ngập mặn: Dà vôi, Dừa nước, Đước vòi và Tra bồ đề)
Mỹ Lầm - Trạm Nghiên cứu ƯDKTNN
Lượt truy cập: 109887
Đang truy cập: 4294966916