Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá mú đen chấm nâu (Epinephelus coioides, Hamilton, 1822) tại Bình Định

Cá mú đen chấm nâu có giá trị kinh tế cao, là loài cá nước mặn, thích hợp nuôi ở trong ao đất, lồng bè từ quy mô nhỏ tới quy mô công nghiệp.

 18/07/2022 14:04:30 |  706

Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá mú đen chấm nâu (Epinephelus coioides, Hamilton, 1822) tại Bình Định

Cá mú đen chấm nâu. Ảnh - Tấn Phát

1. Chọn địa điểm xây dựng cơ sở sinh sản nhân tạo

Địa điểm xây dựng cơ sở sinh sản nhân tạo cá mú đen chấm nâu phải đảm bảo được các yêu cầu kỹ thuật sau:

- Điều kiện giao thông thuận tiện;

- Có nguồn cung cấp điện ổn định;

- Không bị ảnh hưởng của lũ lụt, triều cường, không bị ảnh hưởng bởi nguồn xả nước của các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất lân cận, nước thải sinh hoạt, thuốc bảo vệ thực vật, ...

- Nguồn nước (nước biển và nước ngọt) phục vụ sinh sản nhân tạo cá mú đen chấm nâu phải trong sạch (không bị nhiễm bẩn bởi chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp,... ).

- Các yếu tố môi trường nước đạt yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển dành cho Vùng nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh theo QCVN 10 – MT : 2015/BTNMT.

- Chất lượng nước phải ổn định và đảm bảo những yêu cầu sau đây:

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Mức chỉ tiêu

01

Nhiệt độ

(0C)

27 - 30

02

Độ mặn

0: nước ngọt

28 - 35: nước biển

03

Độ pH

 

7,5 - 8,5

04

Hàm lượng oxy hòa tan

mg/l

> 4,0

05

Độ kiềm

mg/l

> 90

06

NH3-N

mg/l

< 0,1

 

2. Cơ sở vật chất

2.1. Hệ thống các bể chính

Các bể được sử dụng trong sinh sản nhân tạo cá mú đen chấm nâu bao gồm:

- Bể nuôi vỗ cá bố mẹ: bể xi măng có dung tích từ 30 - 50 m3, chiều sâu bể chứa nước đạt tối thiểu là 2,0 m. Bể có hệ thống lọc nước sinh học tuần hoàn và có lưới che trên mặt để ngăn chặn cá nhảy ra ngoài.

- Bể cho cá đẻ: bể xi măng có dung tích từ 20 - 50 m3, chiều sâu bể chứa nước đạt tối thiểu là 2,0 m. Có lưới che trên mặt để ngăn chặn cá nhảy ra ngoài, có ống thoát nước theo đường chảy tràn trên bề mặt để thuận tiện trong việc thu trứng.

- Bể ấp trứng: bể ấp trứng là bể xi măng hoặc bể composite có thể tích 200 - 1.000 lít, có hình phễu và đường thoát nước luôn ở đáy bể để loại trừ trứng ung, trứng chất lượng kém.

2.2. Hệ thống cung cấp nước biển và nước ngọt

Bao gồm: Hệ thống bơm nước, hệ thống lọc, xử lý và chứa nước.

Yêu cầu của hệ thống là đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu sử dụng nước biển và nước ngọt cho quá trình vận hành quy trình. Lượng nước biển cần sử dụng ≥ 1.000m3/tháng, lượng nước ngọt cần sử dụng ≥ 100m3/tháng.

2.3. Hệ thống cung cấp khí

Bao gồm các máy nén khí và hệ thống đường ống dẫn khí, các van điều khiển, đá bọt.

Yêu cầu của hệ thống cung cấp khí là đảm bảo nhu cầu cấp khí cho hệ thống lọc sinh học tuần hoàn cho cá bố mẹ; đảm bảo cung cấp khí cho các bể xử lý nước, bể đẻ và ấp nở.

2.4. Các cơ sở vật chất khác

- Hệ thống máy phát điện dự phòng;

- Kính hiển vi soi nổi, kính hiển vi với độ phóng đại ít nhất là 10 lần;

- Cân điện tử có độ chính xác 0,1gr; cân đĩa có độ chính xác > 10gr;

- Các dụng cụ và test Kit để đo đạc các yếu tố môi trường nước;

- Các dụng cụ chuyên dùng: Vợt, lưới, xô, chậu, cần siphon,…

3. Tuyển chọn và nuôi vỗ cá bố mẹ

3.1. Tuyển chọn cá bố mẹ

 Tuyển chọn cá mú đen chấm nâu bố mẹ từ các nguồn sau đây:

+ Cá thương phẩm được nuôi lồng: Đối với cá nuôi thương phẩm có thể tuyển chọn đưa vào nuôi vỗ ngay vì cá đã quen với điều kiện nhân tạo.

+ Cá được khai thác tự nhiên: Đối với cá tự nhiên cần nuôi thuần dưỡng 01 đến 02 tháng, tập cho cá ăn mồi chết và sau khi lành các vết trầy xước mới đưa vào nuôi vỗ.

Nên nuôi thuần dưỡng cá trong lồng, đầu tiên tập cho ăn tôm, cá sống, sau đó dần dần cho ăn tôm, cá, mực chết nhưng phải đảm bảo thức ăn vẫn còn tươi.

Khối lượng thân cá cái từ 03 - 04 kg/con và cá đực 04 - 05 kg/con. Tuyển chọn những cá thể cá mú đen chấm nâu khỏe mạnh, không bị dị tật, màu sắc tự nhiên, không bị sây sát, không mất nhớt, rụng vảy, sứt vây. Khi thao tác tuyển chọn cá bố mẹ cần gây mê cá để cá giảm sốc.

- Vận chuyển

Cá được gây mê và vận chuyển hở. Nhiệt độ khi vận chuyển khoảng 20 - 220C.

  •  Thuần dưỡng

Sau khi vận chuyển về cơ sở, cá được tắm nước ngọt để xử lý ký sinh trùng ngoài da. Sau đó cá được chuyển vào bể nuôi có hệ thống lọc sinh học tuần hoàn để thuần dưỡng cho cá ổn định. Lưu ý rằng mọi thao tác di chuyển cá đều phải được gây mê. Mật độ nuôi thuần dưỡng không quá 01 - 02 kg/m3.

3.2. Nuôi vỗ

Cá mú đen chấm nâu bố mẹ được nuôi vỗ 01 - 02 tháng trước thời gian cho cá đẻ.

Cá mú đen chấm nâu bố mẹ được nuôi vỗ trong bể xi măng dạng tròn có hệ thống lọc sinh học tuần hoàn. Thể tích phải đạt ít nhất là 30 m3/bể.

+ Mật độ nuôi vỗ: 1 - 2kg/m3. (cả đực và cái)

+ Tỷ lệ đực: cái là 1 : 1.

+ Thức ăn: Thức ăn cho cá bố mẹ là cá tạp, mực, ghẹ, khẩu phần cho ăn là 5% khối lượng thân/ngày. Ngoài ra, vitamin E và C (10 g/1kg thức ăn) được bổ sung vào thức ăn dưới dạng viên 1 ngày/tuần và dầu mực hàng ngày. Thức ăn phải đảm bảo chất lượng và tươi.

+ Quản lý môi trường nước bể nuôi: Định kỳ tiến hành vệ sinh thay nước 5 ngày/ lần, lượng nước thay 50 - 100%, nước được xử lý bằng chlorine trước khi sử dụng. Trong thời gian không thay nước, bể nuôi cá bố mẹ được chạy lọc sinh học tuần hoàn 24/24. Định kỳ sử dụng men vi sinh cấp vào hệ thống lọc sinh học 1 lần/tuần.

- Quản lý sức khỏe cá bố mẹ: Cá bố mẹ được định kỳ tắm nước ngọt (02 lần/tháng) và xử lý thuốc tím KMnO4 để diệt ký sinh trùng và tắm kháng sinh để trị bệnh vi khuẩn (nếu có).

4. Sinh sản nhân tạo

4.1. Mùa vụ sinh sản

Mùa vụ sinh sản cá mú đen chấm nâuở Bình Định từ tháng 03 đến tháng 09 hàng năm, tập trung từ tháng 04 đến tháng 07.

4.2. Chọn cá bố mẹ cho đẻ

Cá mú đen chấm nâu thường đẻ vào kỳ trăng già hàng tháng. Thời gian đẻ thường tập trung từ ngày 24 đến ngày 28 âm lịch. Vì vậy để chủ động cho sinh sản cá mú đen chấm nâu thì công tác chuẩn bị các điều kiện cần thiết và kiểm tra tuyển chọn cá bố mẹ cho đẻ thường phải làm trước ngày 24 âm lịch của tháng.

- Kỹ thuật kiểm tra độ thành thục của cá bố mẹ:

+ Kiểm tra độ thành thục của cá bố mẹ được tiến hành khi thấy cá có dấu hiệu biến đổi cơ thể như cá cái có bụng phồng to, ngừng ăn, hay các cặp cá tách đàn, bơi lội từng cặp trên mặt nước.

+ Cá bố mẹ được kiểm tra độ thành thục từ ngày 24 đến 25 âm lịch bằng phương pháp thăm trứng và thử vuốt sẹ.

+ Cá bố mẹ được đưa vào bể nhựa (200 - 500 lít) đã hòa tan sẵn chất gây mê Ethylenglycol Monophenyl Ether, nồng độ 200 ppm. Sau thời gian gây mê khoảng 03 - 05 phút thì nhẹ nhàng đưa cá vào băng ca vải và tiến hành kiểm tra sự thành thục của cá.

+ Mức độ thành thục của cá cái được kiểm tra thông qua que thăm trứng và xác định đường kính trứng dưới kính hiển vi soi nổi, độ phóng đại 20 - 40 lần. Trứng cá sẵn sàng cho sinh sản có màu vàng rơm, đường kính trên 0,5 mm, hạt trứng tròn đều và rời. Cá cái có trứng lớn, đường kính trứng lớn hơn 0,5 mm được chọn cho đẻ.

+ Cá đực được kiểm tra bằng thao tác vuốt sẹ. Cá đực khi kiểm tra thấy có sẹ màu trắng đục và dễ tan trong nước thì được chọn cho đẻ.

+ Cá cái có trứng nhỏ hơn 0,5 mm và cá đực khi kiểm tra chưa có sẹ thì tiếp tục nuôi vỗ cho đợt đẻ vào tháng sau.

- Kỹ thuật tiêm hormone sinh dục HCG (Human Chorionic Gonadotropin)

+ Cá được gây mê bằng Ethylen Glycon Monophenyl Ether nồng độ 200 ppm. Cá bố mẹ sau khi kiểm tra có độ thành thục tốt được đưa vào tiêm hormone cho đẻ.

+ Hormone HCG được hòa tan trong dung dịch NaCl 0,9%.

+ Liều lượng tiêm HCG:

Cá cái: 1.000 UI/1kg.

Cá đực: Liều lượng bằng 1/2 so với cá cái.

Liều lượng hormone sinh dục dùng để kích thích cá sinh sản có thể nhiều hoặc ít hơn phụ thuộc vào mức độ thành thục của tuyến sinh dục cá, phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường nước tại thời điểm cho cá đẻ.

Nơi tiêm là gốc vây ngực của cá (tiêm 01 lần), thời gian hiệu ứng của hormone thông thường là 18 – 48 h.

4.3. Cho cá đẻ

Tiến hành các bước sau đây: 

-  Bể cho cá đẻ được vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng và khử trùng bằng chlorine;

- Cấp nước biển đã được xử lý bằng chlorine (sau khi trung hòa chlorine dư với thiosunfatnatri) qua túi lọc 5 micron;

- Chuyển cá bố mẹ đã tiêm hormone sinh dục vào bể đẻ, tạo không gian yên tĩnh cho cá đẻ.

- Trong thời gian cho cá đẻ không cần cho cá ăn.

- Tạo dòng chảy nhẹ trong bể đẻ để kích thích cá đẻ.

- Cá mú đen chấm nâu thường đẻ vào thời gian 19h-24h trong đêm. Khi cá đẻ thì trong bể có mùi tanh và trên mặt nước có nhiều váng bọt trắng.

- Cá đực ép bụng vào bụng cá cái trong thời điểm cá cái đẻ. Lỗ sinh dục của cá đực và cá cái kề bên nhau. Hoạt động đẻ trứng từ cá cái và phun tinh từ cá đực sẽ diễn ra cùng lúc.

- Tùy theo khối lượng cá cái mà số lượng trứng thu được nhiều hay ít. Sức sinh sản thực tế của cá cái ≥340.000 trứng/kg cá cái. Trứng cá mú đen chấm nâu thuộc loại trứng trôi nổi. Trứng cá mú đen chấm nâu hình cầu, đường kính từ 0,5 - 0,7 mm.

4.4. Thu trứng, ấp nở  và thu ấu trùng

- Thu trứng: Để trứng chảy tràn qua một giai hứng trứng hoặc dùng vợt vớt trứng nổi trên mặt. Trứng vớt được phải được thả ngay vào thùng nước có sục khí, không để trứng quá lâu trong không khí.

- Tách trứng: Trứng cá đang ở bể đẻ có độ mặn là 30 – 32 ‰ được đưa vào bể có độ mặn là 35 ‰. Sục khí để 15 phút sau đó tắt khí 10 phút. Vớt những trứng nổi trên mặt. Trứng lắng đáy hoặc chìm sâu dưới tầng nước là trứng hỏng cần loại bỏ. Động tác tách trứng làm lại 02 lần, mỗi lần cách nhau 02 giờ. Tách trứng lúc trứng còn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu chưa hình thành thể phôi. Những trứng tốt được lấy và đưa vào bể ấp.

- Ấp trứng: Trứng được ấp nở trong bể nhựa composite hình trụ đáy nón, thể tích 200 – 1.000 L. Mật độ trứng ấp là 500 trứng/L. Nguồn nước trong sạch, các yếu tố môi trường trong bể ấp luôn đảm bảo: độ mặn: 30 – 35 ‰, nhiệt độ: 28 - 300C; pH: 7,5 - 8,5; oxy hoà tan: ≥ 5mg/lít. Trong quá trình ấp cần loại bỏ trứng chìm ở đáy bể đảm môi trường luôn trong sạch, trong điều kiện nhiệt độ nước ấp nở trứng ở 300C thì trứng thụ tinh sau 18 giờ bắt đầu nở.

- Bể ấp trứng đặt ở nơi thoáng mát tránh ánh sáng mặt trời chiều trực tiếp vào trong bể.

- Kiểm tra số lượng và chất lượng ấu trùng: Số lượng ấu trùng được xác định bằng phương pháp thông thường (đếm và tính theo thể tích nước). Kiểm tra chất lượng ấu trùng trên kính hiển vi, nếu tỷ lệ ấu trùng dị hình quá lớn thì nên loại bỏ. Sau khi xác định số lượng và chất lượng, có thể chuyển ấu trùng vào các bể ương.

4.5. Xác định sức sinh sản, xác định tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở

- Sức sinh sản thực tế của cá mẹ: Là số lượng trứng thu được trên một cá thể mẹ trong một lần đẻ.

- Tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở của trứng:

+ Tỷ lệ thụ tinh = (Số trứng thụ tinh/Tổng số trứng thu được) x 100%.

+ Tỷ lệ nở của trứng = (Tổng số cá bột 1 ngày tuổi/Tổng số trứng) x 100%.

 

 

Tấn Phát



Lượt truy cập: 41409

Đang truy cập: 4294967213