Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Kỹ thuật chăn nuôi bò thịt chất lượng cao

Ở những nước phát triển trên thế giới, ngành chăn nuôi bò thịt thường được chuyên môn hoá theo 2 hướng: nuôi bò chuyên thịt, hoặc nuôi bò kiêm dụng sữa-thịt. Đặc điểm nổi bật của giống bò chuyên thịt là có thân hình vạm vỡ, mình tròn, mông và vai phát triển như nhau, nhìn tổng thể bò có hình chữ nhật. Bò chuyên thịt có tỷ lệ thịt xẻ cao, đạt từ 60-70% và thích nghi với nuôi chăn thả cũng như vỗ béo.

 14/03/2022 15:36:49 |  320

Kỹ thuật chăn nuôi bò thịt chất lượng cao

Giống bò lai Red Angus

1. Xây dựng chuồng trại

- Vật liệu địa như tre gỗ địa phương, gạch, xi măng để xây chuồng.

- Nên xây dựng theo hướng đông nam, mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh gió lùa.

- Nền chuồng tráng xi măng cao ráo có độ dốc 2% để dễ thoát nước, không nên nhẵn bóng. Xung quanh luôn có hệ thống thoát nước đảm bảo chuồng luôn khô ráo. Có điều kiện xây bể chứa biogas phục vụ đun nấu.

- Diện tích chuồng: 4 – 5 m2/con.

2. Chọn giống

Để nuôi bò thịt đạt hiệu quả nên dùng bò cái nội (bò cỏ) khi đạt trọng lượng 180 kg trở lên cho phối với đực giống, các giống chuyên thịt (Angus, Droughmaster, B.B.B (Blanc Blue Beige),...). Con lai sinh ra (ta gọi là bò lai) đem nuôi thịt.

Khi chọn mua giống bò lai để nuôi bò thịt chất lượng cao nên chọn những con có bộ khung to khỏe mạnh; ngoại hình cân đối, lông óng mượt da mềm; đầu cổ linh hoạt, mặt ngắn trán rộng mắt sáng, mõm bẹ bộ răng còn tốt; lưng dài, thẳng, ngực sâu, rộng bụng tròn gọn; mông nở, đuôi dài, gốc đuôi to; chân thẳng, bước đi vững trãi, chắc chắn, móng khít; yếm rộng, bao da rốn phát triển.

3. Kỹ thuật nuôi dưỡng bò

3.1. Kỹ thuật nuôi bê theo mẹ (từ 0 – 6 tháng tuổi)

- Sữa mẹ là loại thức ăn quan trọng nhất đối với bê trong giai đoạn này. Sữa mẹ có các chất dinh dưỡng đối hoàn chỉnh và phù hợp với yêu cầu sinh lý của bê. Đồng thời, khả năng tiêu hóa sữa các thành phần dinh dưỡng trong sữa của bê thường trên 95%.

- Tập ăn cho bê từ tháng thứ 2 trở đi ăn thức ăn thô xanh (cỏ non) và bổ sung thức ăn tinh (cám bắp, cám gạo nấu lên) để kích thích hệ thống tiêu hóa của bê hoạt động và phát triển.

- Thức ăn tinh hỗn hợp: có thể cho bê tập ăn từ lúc 15 – 20 ngày tuổi vì dạ cỏ phát triển chưa hoàn thiện nên loại thức ăn tinh hỗn hợp tập ăn phải có chất lượng tốt, hàm lượng protein cao (160-170g/kg VCK). Lượng thức ăn tinh lúc đầu khoảng 0,2 kg sau đó tăng dần lên 0,5 kg (từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 5), rồi 1kg (từ tháng thứ 6).

- Cỏ khô: là loại thức ăn cần thiết vì nó kích thích sự phát triển của dạ cỏ và hoàn thiện hệ vi sinh vật dạ cỏ, tăng thêm dinh dưỡng. Tập cho bê ăn cỏ khô từ lúc 7 – 10 ngày bằng cách để cỏ khô chất lượng tốt vào xô treo trên cũi cho bê.

- Cỏ tươi: có thể tập cho ăn từ cuối tháng thứ nhất (ngày thứ 20 trở đi) tập cho bê ăn cỏ non bằng cách bổ sung tại  chuồng hoặc trực tiếp gặm trên bãi.

- Chất khoáng: từ tháng tuổi thứ nhất đến tháng tuổi thứ 5 bê cần nhiều Ca và P nên phải bổ sung các thức ăn nhiều khoáng như: bột xương, bột đá vôi, bột vỏ sò… Đồng thời phải cho bê vận động dưới ánh sáng mặt trời để tăng tỷ lệ tiêu hóa và hấp thu Ca tránh bệnh còi xương.

- Nước uống phải để cho bò mẹ và bê uống.

- Bê mới sinh trong 10 ngày đầu nên nhốt tại chuồng, sau 10 ngày trời nắng ấm cho bê theo mẹ, nên chăn thả gần.

- Bê mới sinh ra chịu sự thay đổi lớn môi trường, sức đề kháng kém, dễ mắc bệnh.

3.2. Kỹ thuật nuôi bê sau cai sữa đến 24 tháng tuổi (7 - 24 tháng tuổi)

Trong giai đoạn này, ngoài lượng cỏ gặm được khi chăn thả, cần cho bê ăn tại chuồng thức ăn thô xanh chất lượng tốt (cỏ trồng, cỏ cắt, thân cây ngô, ngọn mía,…)

- Tiêu chuẩn ăn dựa theo thể trọng và tăng trọng dự kiến. Yêu cầu tăng trọng thường từ 700 – 1000 g/con/ngày. Bổ sung thức ăn hàng ngày đối với thức ăn tinh 1% trọng lượng cơ thể.

- Thức ăn thô xanh hằng ngày phải đảm bảo 10 - 15% so với trọng lượng con bò.

- Tận dụng phế phụ phẩm của ngành trồng trọt như lá mía, dây đậu phộng, thân cây bắp, dây lang,… cho bò ăn. Có điều kiện chế biến ủ chua, bảo quản được lâu, tăng giá trị dinh dưỡng và tăng tính thèm ăn của bò.

4. Những biện pháp giải quyết thức ăn cho bò

4.1. Phương pháp ủ với urê

- Hố ủ: dùng các bể chứa bằng xi măng hoặc đào hố, có thể thay thế hố bằng túi nylon. Túi không bị thủng, buộc kín sẽ cho kết quả tốt.

- Nguyên liệu:

+ Đối với rơm: rơm khô hoặc tươi.

+ Đối với thân ngô già khô: băm nhỏ từng đoạn 5cm.

- Urê:

+ Trường hợp dùng ủ rơm rạ khô hoặc thân bắp khô dùng dung dịch 4% urê (4kg urê + 100 lít nước) để tưới lên rạ theo tỷ lệ 1 kg rơm rạ + 1 lít dung dịch urê.

+ Trường hợp ủ rơm rạ tươi, dùng dung dịch 4% tưới lên rạ theo tỷ lệ 1kg rơm rạ + ½ lít dung dịch urê.

Phương pháp này chỉ dùng làm thức ăn cho bò, không sử dụng cho gia súc có dạ dày đơn như heo, gia cầm.

- Dự trữ vào hố ủ, túi ủ:

+ Ủ rơm: Xếp rơm rạ từng lớp dày 0,2 - 0,3m, nén chặt và rưới đều dung dịch urê theo tỷ lệ nêu trên. Xong mới xếp lớp kế tiếp, nén và rưới dung dịch urê. Cứ thế cho đến khi lấp đầy hố hoặc cho đến khi hết nguyên liệu.

+ Ủ thân cây bắp: tương tư như ủ rơm.

- Hoàn tất hố, túi ủ:

+ Nếu ủ trong hố ủ, đậy kín hố ủ.

+ Nếu là túi ủ bằng nylon: ép túi cho không khí ra rồi buộc chặt miệng túi.

- Thời gian ủ và cách cho ăn:

+ Sau 2-3 tuần ủ có thể lấy ra cho bò ăn.

+ Khi để nguyên hố ủ, thức ăn có thể dự trữ trong 2 - 3 tháng. Nếu đã khui hố ủ nên cho bò ăn trong thời gian không quá 1 tuần.

+ Rơm rạ, thân ngô khô ủ urê: lấy ra để khoảng 30 phút để bay hết mùi hắc. Tập cho bò quen 2-3 ngày đầu tiên nên trộn ½ rơm ủ đã phơi khô, khi bò đã ăn quen thì mỗi bữa cho ăn 5-6 kg rơm ủ. Có thể cho ăn tự do. Không nên cho bê dưới 6 tháng tuổi ăn.

4.2. Phương pháp ủ chua thức ăn thô xanh

- Chuẩn bị hố ủ: dùng hố bằng gạch hoặc đào sâu trong có lót nylon.

- Chuẩn bị nguyên liệu:

+ Tất cả nguyên liệu vừa mới thu hoạch nên ủ không để lâu quá vì ủ sẽ dễ bị hư.

+ Tất cả các nguyên liệu đều phải được băm nhỏ (<5cm): có thể băm bằng phương pháp thủ công hoặc có thể sử dụng máy băm ( nếu số lượng nhiều).

+ Phụ phẩm đối với loại cây trồng có hệ số đường dương như thân cây bắp, ngọn mía, cỏ voi có thể bổ sung muối với tỷ lệ 1%. Đối với cây có hệ số đường âm như cây đậu phộng (cây họ đậu) cần trộn với nguyên liệu đã băm với  bột mỳ theo tỷ lệ 7 kg bột mỳ + 100 nguyên liệu và 1% muối ăn.

- Nạp nguyên liệu:

+ Tất cả các loại nguyên liệu có thể ủ riêng từng loại hoặc có thể trộn lẫn.

+ Đổ 1 lớp 0,2 - 0,3m nén chặt từng lớp + rải 1 lớp muối theo tỷ lệ phần trăm.

+ Cứ thế tuần tự từng lớp đến khi đầy hoặc hết nguyên liệu.

+ Lớp trên cùng có thể phủ 1 lớp bột mỳ để chống thối lớp mặt.

- Kết thúc hố ủ:

+ Tủ một tấm nylon trên bề mặt, đậy kín miệng hố.

+ Đổ lên trên 1 lớp đất và đè lên nhiều vật nặng.

+ Sau thời gian 2-3 ngày nén bổ sung bề mặt và đổ lớp đất hay cát kén bề mặt.

- Thời gian ủ, cách cho ăn:

+ Sau 1 tháng thức ăn ủ chua có thể lấy cho bò ăn, lớp mặt thường bị hỏng cần loại bỏ.

+ Hố ủ chưa khui, có thể bảo quảng nguyên liệu trong nhiều tháng (3-5 tháng).

+ Khi hố ủ đã khui, phải lấy thức ăn từng lớp, sau đó đậy kỹ.

+ Lượng thức ăn có thể cho ăn tự do, riêng dây đậu phông ủ chua nên chỉ cho ăn 4-5 kg/con/ngày.

- Tác dụng của phương pháp ủ chua:

+ Dự trữ được thời gian lâu.

+ Dinh dưỡng không mất mát nhiều so với phơi khô.

+ Có tính ngon miệng, kích thích tiêu hóa.

5. Vệ sinh, phòng bệnh

5.1. Vệ sinh chuồng trại

- Chuồng trại phải luôn sạch sẽ, không để thừa thức ăn thừa rơi vãi trong máng, nhất là thức ăn tinh.

- Chuồng trại phải được xây dựng ở khu vực xa dân cư, trường học, phải ở nơi cao ráo không ngập úng. Bảo đảm điều kiện ấm áp về mùa đông, tháng mát về mùa hè.

- Định kỳ tiêu độc sát trùng chuồng trại bằng một trong các hóa chất như: BKA, Bencocid, Virkon-S, Phun thuốc trừ ve, bọ chét.

5.2. Vệ sinh môi trường

- Phát quang bụi rậm, ẩm thấp. Làm khô sạch tất cả những vũng nước bùn lầy trong khu vực chăn nuôi và bãi thả gia súc.

- Hệ thống thoát nước thải phải thường xuyên được diệt khuẩn bằng một trong những hóa chất sau: NaOH 5%, Formol 0,25%, Bencocid, BKA,vôi bột, …

- Sử dụng nguồn nước uống hợp vệ sinh, không để gia súc thiếu nước. Thường xuyên tổng vệ sinh, tiêu độc, diệt mầm bệnh như chuột, gián,.. xung quanh chuồng nuôi.

- Tăng cường công tác quản lý và chăm sóc nuôi dưỡng.

- Xây dựng và quản lý sổ tay thú y: ghi chép đầy đủ các thông tin về tình hình diễn biến bệnh của bê, bò, người chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị, thời gian và liệu trình điều trị, hoặc tiêm phòng…

- Cải thiện điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng:

+ Thức ăn, nước uống đầy đủ và đảm bảo vệ sinh thú y, đảm bảo chất lượng và khẩu phần ăn.

+ Chuồng trại cần được vệ sinh sạch sẽ, nền chuồng không nên để trơn trợt để hạn chế các tổn thương có thể xảy ra.

+ Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin như LMLM, THT (5- 6 tháng tiêm một lần).

+ Định kỳ tẩy sán lá gan và giun sán đường ruột cho bò vào lúc 6, 12, 18 tháng tuổi. Phun thuốc diệt ve quanh chuồng trại và trên cơ thể bò./.

 

Cẩm Tiên - TTKN BĐ



Lượt truy cập: 44981

Đang truy cập: 10