17/01/2024 14:48:12 | 375
Chuyển đổi góp phần thắng lợi mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Từ năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng Đề án Chuyển đổi số hoạt động khuyến nông giai đoạn 2021-2025. Thành công ban đầu đó là ứng dụng Khuyến nông xanh (app Khuyến nông xanh) đã tạo nên kênh tuyên truyền hữu hiệu, gần gũi và thân thiện với mọi người, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý dự án khuyến nông. Đến tháng 8 năm 2023, các nội dung và kết quả của việc thực hiện Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025 đã được kế thừa và tiếp tục triển khai thực hiện theo Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2023 – 2027.
Với mục tiêu chuyển đổi từng bước hoạt động khuyến nông từ môi trường truyền thống sang kết hợp đồng thời cùng khuyến nông trên môi trường số nhằm đáp ứng mục tiêu khuyến nông Tam nông trong giai đoạn mới, năm 2023 Trung tâm Khuyến nông Việt Nam thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, tổ chức 2 hội thảo, 6 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông. Đối tượng là cán bộ khuyến nông, chủ nhiệm dự án, cán bộ thực hiện dự án, tổ khuyến nông cộng đồng, người nông dân sản xuất có ứng dụng công nghệ số. Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với các đơn vị tổ chức các diễn đàn, toạ đàm với chủ đề Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tại các hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông. Trong đó, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước; các chính sách và định hướng của bộ, ngành về chuyển đổi số trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và hoạt động khuyến nông nói riêng; kỹ thuật, công nghệ, mô hình ứng dụng chuyển đổi số đang được áp dụng…
Đa số ý kiến các đại biểu đều cho rằng: Việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp còn mới, nên nhận thức hầu hết của doanh nghiệp, cơ sở và đặc biệt là người nông dân còn hạn chế, chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng và sức ép của việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đặc biệt là còn nhiều khó khăn, rào cản không thể triển khai do chưa có quy định nội dung, định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động này.
Ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Chuyển đổi số hoạt động khuyến nông là đòi hỏi cấp thiết để phù hợp và bắt kịp với chiến lược chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Thực hiện chuyển đổi số hoạt động khuyến nông là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm, tăng cường tính kết nối chia sẻ thông tin đối với khuyến nông cơ sở, đóng góp hiệu quả cho chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số của ngành nông nghiệp và thực hiện thắng lợi mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Khuyến nông Việt Nam sẽ quyết tâm thực hiện bằng được những mục tiêu của kế hoạch chuyển đổi số thời gian tới, đó là:
- Xây dựng hệ thống dữ liệu khuyến nông tập trung đảm bảo tính kết nối, liên thông, chia sẻ và đồng bộ hoá từ cấp trung ương tới địa phương tại Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, dữ liệu được tập trung tại Trung tâm dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cụ thể, xây dựng hệ sinh thái số khuyến nông gồm Xây dựng Bộ phần mềm quản lý dự án khuyến nông và Xây dựng phần mềm thư viện số khuyến nông để tuyên truyền phổ biến kiến thức khuyến nông tới người dùng.
- Xây dựng được hệ thống khuyến nông số kết nối hiệu quả toàn hệ thống khuyến nông, thu thập, tạo lập dữ liệu phục vụ hoạt động khuyến nông. Trong đó, giai đoạn 2023 - 2027, tập trung xây dựng các giải pháp phần mềm, giải pháp khai thác dữ liệu phục vụ điều hành, chỉ đạo và thí điểm xây dựng dịch vụ số khuyến nông thích ứng với hoạt động khuyến nông cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống khuyến nông và tăng khả năng tiếp cận thông tin cho cán bộ khuyến nông địa phương, người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, xây dựng phần mềm hỗ trợ và quản lý hoạt động tập huấn, đào tạo khuyến nông, xây dựng phần mềm quản lý tổ chức khuyến nông thống nhất từ Trung ương và địa phương, Thí điểm xây dựng dịch vụ số khuyến nông.
- Xây dựng được quy chế và cơ chế mạng lưới giám sát, thu thập thông tin dữ liệu các tổ chức khuyến nông từ cấp trung ương đến địa phương.
- Xây dựng và vận hành các tiêu chí, công cụ đo lường hiệu quả hoạt động Khuyến nông qua môi trường số hướng đến chủ thể thụ hưởng sẽ được đánh giá chất lượng hoạt động khuyến nông bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước thông qua công cụ số.
- Nâng cao nhận thức, năng lực cho hệ thống khuyến nông toàn quốc về chuyển đổi số, hướng tới 100% cán bộ khuyến nông các cấp ứng dụng công cụ số trong các hoạt động khuyến nông. Từng bước hình thành văn hoá số cho cán bộ khuyến nông.
Với những kết quả bước đầu đạt được, đội ngũ cán bộ khuyến nông cả nước sẽ quyết tâm, tiếp tục đồng hành cùng người dân thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông, đặc biệt là hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi số trên các sản phẩm nông nghiệp của mình. Đó cũng chính là cơ hội để mỗi cán bộ làm công tác khuyến nông có thêm môi trường làm việc mới, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong phát triển chiến lược chuyển đổi số của ngành nông nghiệp nói chung và hoạt động khuyến nông nói riêng./.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia
Lượt truy cập: 64486
Đang truy cập: 4294967232