Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Khoán bảo vệ rừng, hoạt động gắn với phát triển sinh kế bền vững

Khoán bảo vệ rừng là một hoạt động bảo vệ môi trường và hệ sinh thái rừng quan trọng tại Việt Nam, nhằm mục tiêu chung tay giữ gìn và phát triển màu xanh của rừng. Chính sách này không chỉ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng.

 23/04/2025 09:23:14 |  73

Khoán bảo vệ rừng, hoạt động gắn với phát triển sinh kế bền vững

Hộ nhận khoán tuần tra, kiểm tra rừng. Ảnh - Mỹ Lầm

Bình Định với diện tích rừng ngập mặn lên tới 88,11 ha, rừng ngập mặn không chỉ là lá phổi xanh, mà còn là ngôi nhà chung của hàng trăm loài động thực vật, là nơi cung cấp nguồn dinh dưỡng, hỗ trợ cho sự tồn tại và phát triển phong phú của các quần thể sinh vật cửa sông ven biển, đồng thời là nơi duy trì đa dạng sinh học cho biển. Để giữ gìn màu xanh ấy, hoạt động khoán bảo vệ rừng đã trở thành cầu nối gắn kết giữa lực lượng viên chức bảo vệ rừng và người dân địa phương, biến mỗi người dân thành "người giữ rừng" thực thụ.

Hoạt động khoán bảo vệ rừng được triển khai nhằm khuyến khích người dân tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng thông qua việc hỗ trợ kinh phí cho những người dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Điều này không chỉ giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình sống ven rừng. Qua đó, giúp người dân có thêm động lực để tham gia vào công tác bảo vệ rừng, đồng thời giảm thiểu tình trạng khai thác rừng trái phép.

Thành quả từ năm 2016 - 2024, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức triển khai giao khoán bảo vệ rừng thông qua hợp đồng giao khoán 396,38 lượt ha rừng cho người dân trong khu vực có rừng. Gần 120 triệu đồng ngân sách địa phương chi trả cho công tác hỗ trợ khoán bảo vệ rừng này, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, kết hợp lợi ích sinh kế có thêm thu nhập từ nguồn lợi thủy hải sản dưới tán rừng và bảo tồn rừng. Để thực hiện công tác bảo vệ rừng, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với các hộ nhận khoán tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp xâm hại, khai thác thuỷ sản ảnh hưởng đến rừng, phá rừng.

Theo điểm a, khoản 3, Điều 19 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024, từ năm 2025 mức khoán bảo vệ rừng tăng từ 300.000 đ/ha lên mức 750.000 đ/ha; với mức hỗ trợ khoán mới này thì giúp cho người dân được tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống tinh thần phấn khởi, trách nhiệm gắn bó lâu dài với công việc bảo vệ rừng cao hơn.

Ông Hồ Văn Chính, một hộ nhận khoán tại xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) chia sẻ: Trước đây, số tiền nhận khoán không nhiều, chúng tôi chủ yếu làm vì trách nhiệm. Giờ tăng lên, bà con chúng tôi càng có thêm động lực để giữ rừng, gắn bó lâu dài với rừng, từ đó góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven biển bền vững hơn.

Bảo vệ rừng ngập mặn không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân hay một tổ chức nào, đây là trách nhiệm của cả cộng đồng, của toàn xã hội. Bảo vệ rừng là bảo vệ sinh kế, bảo vệ môi trường sống, góp phần tạo ra sự phát triển bền vững, giữ gìn cho thế hệ tương lai./. 

Mỹ Lầm



Lượt truy cập: 131622

Đang truy cập: 277