17/06/2024 16:21:18 | 360
Diệt chuột bảo vệ sản xuất. Ảnh minh họa
Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống chuột, góp phần bảo vệ sản xuất trồng trọt an toàn và giảm chi phí sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt năm 2024, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Xác định công tác diệt chuột là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng trong việc tổ chức phòng chống chuột. Tổ chức các đợt diệt chuột đồng loạt, tập trung, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, bảo vệ năng suất và sản lượng các loại cây trồng, ngăn chặn tác hại do chuột gây ra đối với sản xuất và đời sống.
2. Yêu cầu
- Diệt chuột sớm ngay từ đầu mỗi vụ sản xuất và thường xuyên, liên tục suốt cả vụ. Đặc biệt, chú trọng các đợt cao điểm để phát động chiến dịch diệt chuột đồng loạt nhằm đạt hiệu quả cao.
- Diệt trừ chuột đúng kỹ thuật, đúng thời gian, an toàn tuyệt đối cho người,
gia súc, gia cầm và môi trường.
- Thực hiện tổng hợp các biện pháp diệt chuột như biện pháp thủ công (đào, bắt, sử dụng các loại bẫy), biện pháp sinh học, biện pháp hóa học, ...
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Công tác tuyên truyền
- Nội dung tuyên truyền: Tác hại và nguy cơ gây hại của chuột đối với sản xuất và sức khỏe cộng đồng, biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả.
- Hình thức tuyên truyền: Thông qua các phương tiện truyền thông: Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Bản tin Nông lâm thủy sản Bình Định, … và hệ thống truyền thanh ở cấp huyện, cấp xã.
- Thời gian tuyên truyền: Trước khi bước vào vụ sản xuất Đông xuân và Hè Thu hàng năm.
2. Công tác tập huấn
- Đối tượng: Các hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất trồng trọt.
- Số lượng: Tổng cộng 28 lớp. Các huyện miền núi (An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh) 2 lớp/huyện; các huyện thị xã khác 3 lớp/huyện và thành phố Quy Nhơn 1 lớp. Số người tham dự: 35 người/lớp.
- Thời gian tập huấn: Năm 2024.
- Địa điểm: các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
- Nội dung tập huấn: Đặc tính sinh vật học, tác hại của chuột và các biện pháp diệt chuột.
3. Công tác tổ chức diệt chuột
- Từ 01/11 - 01/12/2024 (Trước khi sản xuất vụ Đông Xuân 2024 – 2025).
- Nội dung: Phối hợp với UBND huyện Hoài Ân và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức 1 đợt phát động diệt chuột tập trung bằng nhiều biện pháp.
4. Các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ chuột
4.1. Biện pháp canh tác
- Vệ sinh đồng ruộng: Ngay sau thu hoạch và trước khi bước vào vụ sản xuất tiến hành vệ sinh đồng ruộng, phát quang làm sạch cỏ ở bờ ruộng, kênh mương, bụi cây khu vực gieo trồng,... nhằm hạn chế nơi ẩn náu và sinh sản của chuột.
- Thời vụ: gieo sạ tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng.
4.2. Biện pháp thủ công:
- Phát động nông dân ra đồng đào bắt, đánh bẫy, đổ nước vào hang chuột, dùng đất đèn đổ vào hang, … để tiêu diệt chuột. Đây là biện pháp diệt chuột có hiệu quả cao, đơn giản, nông dân dễ thực hiện.
- Dùng các loại bẫy: Bẫy sập, bẫy đập, bẫy kẹp, bẫy bán nguyệt, … có mồi để bẫy chuột.
- Bắt chuột vào ban đêm bằng cách dùng đèn soi và dùng nơm chụp bắt ở những ruộng bị chuột cắn phá nhiều (giai đoạn lúa đẻ nhánh)
4.3. Biện pháp hóa học
- Sử dụng bả mồi, thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép
sử dụng tại Việt Nam. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi, môi trường; sử dụng thuốc hóa học phải tuân thủ nguyên tắc 04 đúng.
- Trước khi đặt bả diệt chuột cần thông báo rộng rãi cho người dân xung
quanh vùng biết, cần phải nhốt gia súc, gia cầm cho đến khi vệ sinh sạch sẽ nơi đặt mồi, thu nhặt chuột chết, mồi thừa và chôn lấp để đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh.
- Dùng một trong các loại thuốc: Thuốc trộn sẵn với mồi (Gimlet, Killrat, Klerat) để rải trực tiếp hoặc thuốc Racumin, Rat K, Hicate, … trộn với mồi (mì tôm, cám thực phẩm, tôm, cua, cá) để làm bả diệt chuột. Đặt bả ở nơi chuột đang cắn phá, bờ ruộng nơi gần hang hoặc gần đường đi của chuột, bờ mương.
* Chú ý:
- Tuyệt đối không sử dụng điện để săn bắt chuột dưới mọi hình thức.
- Triển khai các biện pháp diệt chuột đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho người, gia súc, gia cầm và giữ vệ sinh môi trường.
- Phòng trừ chuột mang lại hiệu quả cao khi áp dụng tổng hợp các biện
pháp, tiến hành ngay từ đầu vụ, thường xuyên, liên tục và đồng loạt trên phạm vi cộng đồng.
IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được lồng ghép từ các nguồn kinh phí được giao cho các đơn vị trực thuộc Sở và nguồn kinh phí của địa phương theo quy định.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra gây ra đối với sản xuất, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng kế họach và tổ chức các đợt ra quân diệt chuột cộng đồng theo các đợt “diệt chuột tập trung” vào thời gian trước và sau các vụ sản xuất hoặc trong các đợt lũ khi chuột còn đang co cụm.
- Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế), Trung tâm DVNN phối hợp UBND các xã phường, thị trấn kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả.
- Chỉ đạo Đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền về các biện pháp kỹ thuật diệt chuột an toàn hiệu quả.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả diệt chuột về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định
2. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật
- Chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Thường xuyên điều tra nắm chắc diễn biến, phân bố và dự báo khả năng phát sinh gây hại của chuột để tham mưu các phương án tổ chức diệt chuột đạt kết quả cao; tăng cường phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định, Bản tin Nông lâm thủy sản Bình Định, … thực hiện công tác tuyên truyền hướng dẫn nông dân các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả; Tổ chức tập huấn hoặc lồng ghép nội dung hướng dẫn các biện pháp diệt chuột vào các lớp tập huấn chuyên môn của đơn vị.
- Tổng hợp và báo cáo kết quả công tác diệt chuột cho Sở Nông nghiệp và PTNT để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Tổ chỉ đạo sản xuất trồng trọt
Tăng cường phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố thực hiện công tác kiểm tra, hướng dẫn triển khai diệt chuột ở địa bàn được phân công kịp thời, hiệu quả.
Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, phối hợp triển thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh./.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định
Lượt truy cập: 48661
Đang truy cập: 172