Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản mùa nắng nóng trên địa bàn tỉnh

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định năm 2025 được dự báo sẽ có sự gia tăng đáng kể các hiện tượng thời tiết cực đoan dưới tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt chịu ảnh hưởng của hiện tượng ENSO trung tính làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các thiên tai cực đoan như nắng nóng gay gắt, bão mạnh và lũ lụt. Đặc biệt, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ được dự báo sẽ chịu đựng những đợt nắng nóng gay gắt, tiếp theo là các cơn mưa trái mùa của Tiết tiểu mãn gây ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng thủy sản nuôi.

 19/05/2025 15:00:17 |  16

Hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản mùa nắng nóng trên địa bàn tỉnh

Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản mùa nắng nóng

Để giảm thiểu tác động của thời tiết, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do nắng nóng gây ra đối với hoạt động nuôi thủy sản. Chi cục Chăn nuôi và Thú y vừa có văn bản đề nghị Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện) có hoạt động nuôi thủy sản, phối hợp triển khai một số nội dung sau:

- Phòng Nông nghiệp và Môi trường chủ động tham mưu UBND cấp huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 22/12/2024 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và thực hiện nuôi trồng thuỷ sản năm 2025. Đồng thời, thực hiện nghiêm lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2025 theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 4607/SNN-TS ngày 26/12/2024.

- Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp các địa phương tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh thủy sản thuộc địa bàn; vận động người nuôi giám sát phát hiện dịch bệnh sớm, báo cáo kịp thời để lấy mẫu kiểm tra mầm bệnh và được hướng dẫn các biện pháp xử lý hiệu quả, giảm lây lan dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, người nuôi trồng thủy sản một số biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh mùa nắng nóng theo hướng dẫn tham khảo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y để chủ động thực hiện, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Áp dụng đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi theo quy định tại Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư 12/2024/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2024 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT, đồng thời thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

* Yêu cầu chung: Giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch bởi cơ quan thú y theo quy định.

1. Đối với ao nuôi tôm nước lợ

- Thường xuyên kiểm tra bờ, cống ao để tránh hiện tượng rò rỉ nước. Duy trì mực nước trong ao trên 1,5 m, tích cực tạo oxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm 10-18h và ban đêm. Những nơi có điều kiện thay nước có thể thay từ 15-20% lượng nước cũ và cấp thêm nước mới vào ao dưới dạng phun mưa (tốt nhất vào sáng sớm).

- Kiểm tra pH, nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng oxy hòa tan, amoniac, khí độc (H₂S), tăng cường sục khí vào sáng sớm hoặc thời điểm nhiệt độ cao (buổi trưa).

- Dùng lưới lan che phủ 2/3 diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2m để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho thuỷ sản nuôi; Giảm 50% lượng thức ăn khi trời nắng nóng gay gắt. Bổ sung vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng, duy trì đàn thuỷ sản nuôi.

- Hàng tuần nên dùng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao vào buổi chiều mát để khử trùng nguồn nước và ổn định pH trong ao với hàm lượng 2 - 4 kg vôi bột/100 m3 nước.

- Chủ động thu hoạch thuỷ sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm hoặc san thưa mật độ ngay khi thiếu nước, hạn hán xảy ra.

- Kịp thời báo cáo khi có dịch bệnh xảy ra, nghiêm cấm không xả thải nước ao nuôi bị bệnh ra môi trường chung khi chưa được xử lý mầm bệnh.

2. Đối với nuôi trồng thủy sản trên biển

- Vệ sinh, sát trùng toàn bộ lưới lồng, dụng cụ nuôi, treo túi vôi xung quanh lồng/bè (khoảng 2 kg/túi) nhằm hạn chế mật độ Vibrio spp; Tạo điều kiện trao đổi nước giữa, trong và ngoài lồng nuôi.

 - San thưa mật độ tôm, cá trong lồng nuôi phù hợp với từng kích cỡ; thường xuyên theo dõi môi trường nước (nhiệt độ, màu nước…) thu gom thức ăn dư thừa và theo dõi hoạt động tôm, cá nuôi để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.

- Khi thời tiết nắng nóng hoặc chuyển mùa, cần che lưới trên bề mặt lồng nuôi, hạ lồng đến mức nước phù hợp; dự phòng oxy khi tôm, cá nuôi thiếu ôxy cục bộ.

- Thức ăn tươi phải qua sát trùng trước khi cho ăn bằng thuốc tím liều lượng 1g/lít nước trong thời gian 15 phút. Bổ sung men vi sinh, vitamin, khoáng vào thức ăn để nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi.

- Khi môi trường biến động cần di chuyển lồng bè đến nơi an toàn, có điều kiện môi trường phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của tôm, cá nuôi.

- Kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi tôm, cá lồng bè; tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải tại các vùng nuôi. Kịp thời báo cáo khi có dịch bệnh xảy ra.

- Quản lý tốt chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Tổ chức thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).

3. Đối với nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa nước ngọt

- Tổ chức rà soát, bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương.

- Thường xuyên kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi cá lồng bè; tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải tại các vùng nuôi.

- Bổ sung Vitamin, khoáng, vi chất vào khẩu phần ăn của thủy sản nuôi để nâng cao sức đề kháng với diễn biến tiêu cực của dịch bệnh và môi trường. Thường xuyên treo túi vôi ở lồng nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi.

- Thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường nước nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối nhằm sớm phát hiện những biến động môi trường ảnh hưởng xấu đến thủy sản nuôi và kịp thời xử lý.

- Quản lý tốt chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Tổ chức thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác phòng chống dịch bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).

4. Hướng dẫn các biện pháp phòng chống và khắc phục ảnh hưởng khi xuất hiện các cơn mưa trong mùa nắng nóng

4.1. Trước khi có mưa

- Thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm. - Nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn, phát quang quanh bờ ao.

- Bố trí neo đậu, kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng; khi cần thiết, di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ, độ mặn ổn định (đối với nuôi ven biển). Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài.

- Chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu (lưới, đăng chắn, dụng cụ cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, thuyền, phao cứu sinh…) cần thiết để chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống bờ ao, cống, đăng chắn khi có tình huống xấu xảy ra.

- Chủ động gia cố bờ ao đảm bảo an toàn khi có mưa lớn, tránh tình trạng vỡ bờ ao (đặc biệt đợt lũ tiểu mãn vào cuối tháng 5 đầu tháng 6).

4.2. Biện pháp khắc phục sau mưa:

- Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước phù hợp.

- Xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao.

- Bổ sung vitamin hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Sử dụng thuốc, hoá chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau các đợt mưa lớn (nếu phát hiện ô nhiễm).

- Khi phát hiện thuỷ sản bị chết cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan quản lý địa phương để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước.

Bên cạnh việc thực hiện các hướng dẫn trên, khi thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết, người nuôi nhanh chóng báo cáo UBND cấp xã hoặc Phòng Nông Nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hoặc Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bình Định để tư vấn, hướng dẫn, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân, hướng dẫn biện pháp chữa trị và xử lý theo quy định./.

Theo Chi cục CNTY



Lượt truy cập: 131622

Đang truy cập: 277