Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt

Chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) (hay còn gọi là rác thải sinh hoạt) là chất thải ở thể rắn, phát sinh trong sinh hoạt hằng ngày của cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng, trường học, khu vui, giải trí, điểm kinh doanh, dịch vụ…Thành phần chủ yếu trong rác thải sinh hoạt là rác thải hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa, rau củ quả, xác động vật, vỏ tôm, cua, lá cây, mùn cưa, bã cà phê, bã trà, bã mía, xác đậu… chiếm tỉ lệ 60-70%. Loại này dùng để ủ phân hữu cơ. Nếu như chúng ta thực hiện tốt việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn sẽ góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và lợi ích xã hội.

 19/07/2023 10:10:16 |  1734

Hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt

Cấu tạo bên trong thùng ủ. Ảnh - Nguyễn Cường

1. CẤU TẠO THÙNG PHÂN Ủ

- Nắp thùng được gắn ống nhựa hình chữ T, vừa làm tay nắm, vừa làm lỗ thông hơi (Đối với thùng 220 lít), các thùng 120 lít và 160 lít thì việc thông hơi được thiết kế bằng các lỗ bố trí trên thành thùng (ở phía dưới nắp thùng).

- Trục giữa là ống nhựa phi 60 có đục lỗ xung quanh ống, trên trục có gắn các phễu để cung cấp khí tự nhiên cho khối rác mà không bị rác che phủ lỗ cấp khí.

- Đáy thùng có các lỗ để đảm bảo thoát nước đáy và cung cấp khí cho thùng ủ theo hướng từ dưới đáy đi lên.

- Chân đế: Thùng đặt ở phía trên chân đế, thau nhựa đặt phía dưới chân đế.

- Cửa lấy phân: Có 02 cửa lấy phân. Mỗi cửa được thiết kế 02 lớp: Lớp trong được thiết kế bằng lưới nhựa nhằm không để rác tiếp cận với lớp ngoài; Lớp ngoài của cửa được thiết kế để nước rỉ rác không rỉ ra ngoài vỏ thùng.

2. CÔNG NGHỆ Ủ PHÂN CỦA THÙNG

- Thùng ủ rác thành phân bón hoạt động theo nguyên lý hiếu khí trong thùng kín với dòng khí hướng lên thông qua ống dẫn khí, phễu và lưới bọc xung quanh khối rác. Số lượng phễu trong thùng nhiều hay ít là phụ thuộc vào chiều cao của thùng, thông thường bố trí 2 đến 3 phễu.

- Thùng ủ hoàn toàn tự nhiên không cần sử dụng men vi sinh. Tuy nhiên, nếu có men vi sinh thì quá trình phân hủy sẽ nhanh hơn, nhất là giai đoạn đầu của quá trình ủ phân.

- Với kiểu dáng thẩm mỹ, không mất vệ sinh, thùng ủ dễ gây thiện cảm, phù hợp đặt ở nơi công cộng.

    Nguyên lý hoạt động của thùng ủ phân

3. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG THÙNG Ủ

3.1. Bước chuẩn bị lớp lót dưới đầy thùng

- Sử dụng lần đầu: Rải một lớp đất vi sinh hoặc một lớp tro hoặc phân bò đã hoai dày khoảng 3-5 cm.

- Các lần sau: Giữ lại 01 lớp đất vi sinh đã hoai mục dưới đáy thùng dày 3-5 cm.

3.2. Cho rác liên tục vào thùng hàng ngày và lấy rác

- Cho rác dễ phân hủy vào thùng gồm: Rác nhà bếp (thức ăn thừa, rau củ quả bỏ, vỏ trái cây, thịt, cá…), rác sân vườn (lá cây, hoa,..), các loại rác sinh hoạt hữu cơ khác (giấy vụn, bã trà, bã cafe,...). Nếu rác ướt nhiều, cần phủ một lớp rác khô lên bề mặt lớp rác ướt (lớp rác ướt và lớp rác khô xen kẽ nhau).

- Sau 2-3 tháng, mở cửa lấy phân theo từng lớp.

3.3. Các lưu ý

1. Không bỏ rác khó phân hủy vào thùng: Rác nhựa, cành cây cứng, xương động vật.

2. Nếu phát sinh mùi hôi thì phủ lên bề mặt 1 lớp đất hoặc tro hoặc phân bò hoai.

3. Khi có nước rỉ rác trong thau thì lấy nước này tưới đều trở lại vào thùng. Nếu dư thì pha loãng với nước theo tỉ lệ 1:10 tưới cây.

4. Rác động vật nhỏ (lòng gà, lòng vịt, cá nhỏ,...): Cho vào thùng rồi dùng đất, tro, mùn cưa hoặc phân bò hoai phủ kín bề mặt.

5. Thùng rác đặt ở nơi có bóng râm hoặc nơi nửa nắng nửa bóng râm.

6. Nếu muốn rác ủ tốt hơn thì:

Cách 1: Mua chế phẩm vi sinh bổ sung vào thùng rác như chế phẩm AT-BiO…

Cách 2: Lấy nước trong chậu đựng nước rỉ rác dư cho vào thùng.

4. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG PHÂN Ủ

4.1. Dịch trích từ quá trình ủ

- Pha loãng dịch rĩ với nước theo tỷ lệ 1:10 để tưới cây.

- Tưới định kỳ cho rau từ 5 - 7 ngày/lần.

4.2. Phân hữu cơ sau khi ủ

- Sau 2-3 tháng, mở cửa lấy phân theo từng lớp.

- Phân hữu cơ vi sinh: Thay thế các loại phân hữu cơ vi sinh trên thị trường.

- Dùng để bón lót, lượng phân bón 50 kg/sào./.

Nguyễn Cường



Lượt truy cập: 37471

Đang truy cập: 4294967284