13/04/2022 09:16:08 | 1445
Súp lơ vàng. Ảnh - Nguyễn Cường
1. Giống
Sử dụng các giống súp lơ vàng chịu nhiệt có nguồn gốc rõ ràng, nhiệt độ trồng thích hợp từ 18 – 350C như giống F1 – BROCCOFLOWER,...
2. Thời vụ trồng
- Vụ Đông Xuân: Gieo tháng 11, trồng tháng 12 dương lịch.
- Vụ Hè: Gieo tháng 2 – 3, trồng tháng 3 – 4.
- Vụ Thu: Gieo tháng 6 – 7, trồng tháng 7 – 8.
3. Kỹ thuật làm đất và gieo trồng
3.1. Tiêu chuẩn cây con khi trồng
- Gieo hạt trên luống đất hoặc gieo hạt trên khay bầu.
- Tiêu chuẩn cây giống khi trồng: Cây có 4 – 5 lá thật (sau khi gieo 18 – 25 ngày), cây khỏe, lá xanh, không bị sâu, bệnh.
3.2. Chuẩn bị đất trồng
- Súp lơ vàng trồng thích hợp trên đất nhẹ, thoát nước tốt; đất đủ tiêu chuẩn về độ an toàn theo quy định.
- Sau khi đất đã được cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại và xử lý sâu bệnh thì lên luống rộng 1,0 – 1,2 m, cao 15 – 20 cm, rãnh rộng 25 – 30 cm.
* Lưu ý khi trồng vào vụ có mưa cần làm luống cao hơn, kiểu mui rùa; vụ Hè ít mưa làm luống thấp, phẳng.
3.3. Kỹ thuật trồng
Trồng hàng kép nanh sấu trên luống, mật độ trồng: từ 1.650 – 2.000 cây/sào (500m2); với khoảng cách trồng: hàng x hàng 50 – 60 cm, cây x cây 40 – 50 cm.
4. Bón phân
4.1. Lượng phân bón cho 1 sào (500m2)
- Vôi: 20 kg;
- Phân chuồng hoai mục: 400 – 500 kg hoặc phân hữu cơ vi sinh: 40 – 50 kg;
- Phân Đạm (Urê): 8 kg;
- Lân Văn Điển: 20 kg;
- Kali Clorua (KCl): 5 kg;
- Phân NPK 16-16-8: 15 kg.
4.2. Cách bón
* Bón lót
- Bón lót 100% (20 kg) vôi trước khi trồng từ 10 – 15 ngày;
- Khi đất đã được cày bừa kỹ (lần cuối): Bón 100% (400 – 500 kg) phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh (40 – 50 kg) + 100% (20 kg) phân lân Văn Điển + 5 kg phân NPK 16-16-8 sau đó tiến hành lên luống, trồng cây.
* Bón thúc
- Lần 1: Khi cây bén rễ (7 – 10 ngày sau trồng): Bón 2 kg Đạm (Urê) + 1 kg Kali Clorua + 5 kg NPK 16-16-8.
- Lần 2: Sau trồng 20 – 25 ngày: Bón 4 kg Đạm (Urê) + 2 kg Kali Clorua + 5 kg NPK 16-16-8.
- Lần 3: Trước khi cây ra hoa: Bón 2 kg Đạm (Urê) + 2 kg Kali Clorua.
5. Chăm sóc
- Thời kỳ hồi xanh: Sau khi trồng cần tưới nước giữ ẩm thường xuyên, tưới 1 – 2 lần/ngày tùy theo thời tiết. Kiểm tra đồng ruộng để kịp thời cấy dặm những cây bị chết. Sau trồng 10 – 15 ngày thì xới phá ván giúp đất tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại.
- Thời kỳ trải lá: Cần đủ ẩm để cây sinh trưởng (nếu tưới bằng phương pháp tưới rãnh, trung bình 7 – 10 ngày tưới 1 lần). Xới nông, kết hợp bón phân và vun đất vào gốc.
- Thời kỳ ra hoa, thu hoạch: Trước khi cây ra hoa bón phân lần cuối và tưới nước đủ ẩm (chú ý không để phân và nước tưới rơi trên lá và hoa).
* Kỹ thuật che đậy: Việc che đậy phải làm từ khi cây bắt đầu có hoa ở trong lá nõn cho tới khi thu hoạch. Lúc đầu hoa súp lơ còn bé, có thể bẻ gập 1 – 2 lá trong lại để đậy (không bẻ rời hẳn mà chỉ bẻ gẫy gân chính của lá). Khi hoa đã lớn thì ngắt bỏ các lá ngoài (lấy khoảng 1/3 phiến lá phần đầu lá) để đậy cho hoa, tránh để nước rơi vào làm thối hoa.
6. Phòng trừ sâu bệnh
6.1. Sâu hại
- Nhóm sâu miệng nhai gặm: Sâu tơ (Plutelle xylostella), sâu xám (Agrotis ypsilon), sâu khoang (Spodoptera exigua), sâu xanh 2 sọc trắng (Diaphania indica), bọ nhảy (Phyllotetra striolata),...: Thường tập trung cắn phá lá, đọt non, hoa.
- Ốc sên: Gây hại cả giai đoạn cây con và cây lớn làm ảnh hưởng đến năng suất và mẫu mã sản phẩm lây lan mầm bệnh.
* Biện pháp phòng trừ: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM:
- Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng từ vụ trước, phá bỏ các ký chủ phụ xung quanh ruộng.
- Bảo vệ các loài thiên địch.
- Kiểm tra thăm đồng thường xuyên để phát hiện sâu hại tuổi nhỏ, ngay khi mới phát sinh.
- Luân phiên cây trồng khác họ thập tự (áp dụng đối với sâu tơ va bọ nhảy)
- Đối với ốc sên: Sử dụng xơ mít, dưa leo, bầu bí, … thái lát mỏng để làm mồi nhử ốc đến ăn rồi thu gom, diệt ốc; Khi mật độ ốc cao, sử dụng thuốc Abuna 15GR rải xung quanh gốc, vườn để diệt ốc.
- Sử dụng một trong các loại thuốc: Prevathon 5SC, Proclaim 1.9 EC, Verismo 240 SC, Pegasus® 500 SC ( trừ sâu); Oshin 20 WP ( trừ bọ nhảy); Movento 150 OD ( trừ rầy mềm)... … phun theo hướng dẫn trên bao bì.
Lưu ý: khi cây có hoa chỉ nên dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học và ngừng phun thuốc 15 ngày trước khi thu hoạch.
6.2. Bệnh hại
- Bệnh lở cổ rễ (chết ẻo cây con do Rhizoctonia sp., Fusarium sp., Pythium sp., Phytophthora sp....): Thường gây hại nặng trong điều kiện ẩm ướt đối với cây con. Bệnh chủ yếu gây hại phần cổ rễ, phần gốc sát mặt đất làm cổ rễ, gốc cây bị teo tóp, cây ngã đổ và chết.
- Bệnh thối nhũn (Erwinia carotovora): Thường gây hại đối với súp lơ giai đoạn bắt đầu ra hoa, vi khuẩn tấn xông vào cuốn lá, đọt non, hoa gây thối nhũn, có mùi hôi. Bệnh thường phát sinh trong điều kiện ẩm ướt.
- Vệ sinh vườn sau thu hoạch, dọn sạch tàn dư cây trồng đem tiêu hủy để loại bỏ nguồn bệnh.
- Rải vôi bột liều lượng từ 25 kg/sào để diệt nguồn bệnh trong đất.
- Làm đất kỹ, lên luống cao để dễ thoát nước.
- Bón phân cân đối, không bón quá nhiều phân đạm.
- Bón phân chuồng hoai mục có bổ sung nấm Trichoderma (Nlu-tri), ...
- Sử dụng thuốc phòng trừ: Khi bệnh chớm xuất hiện, phun một trong các loại thuốc: Biobac WP, 2S Sea See 12SL, Daconil 75 WP, Validacin 5L, Agrilife 100 SL, Kasumin 2L, Sosim 300SC,…, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.
Lưu ý: Khi cây bị bệnh, hạn chế tưới nước, không bón phân hoặc phun phân qua lá. Sau khi phun thuốc, bệnh ngừng phát triển mới tiến hành chăm sóc, bón phân bình thường và đảm bảo thời gian cách ly cho từng loại thuốc.
7. Thu hoạch
Thu hoạch khi hoa còn non, hoa chưa nở mới đảm bảo năng suất và phẩm chất của hoa súp lơ. Từ khi hoa xuất hiện đến khi thu hoạch khoảng 15 – 20 ngày tuỳ theo điều kiện thời tiết. Dùng dao bén cắt ngang cây, để lại 4 – 5 lá để bảo vệ hoa./.
Tài liệu tham khảo:
- Quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Bình Định (Quyết định số 813/QĐ-SNN, ngày 09/10/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định).
- Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc giống súp lơ vàng - Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp Hoàng Gia (RATECHCO).
TTKN Bình Định
Lượt truy cập: 66246
Đang truy cập: 4294967207