Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn không bùn

Lươn đồng có tên khoa học là Monopterus albus, là loài thủy đặc sản nước ngọt được nuôi khá phổ biến trên thế giới, phổ biến ở một số nước khu vực Đông Nam Á. Thịt lươn đồng có tính mát, lợi máu, có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều axit béo không no: DHA, EPA và chất bổ dưỡng khác như: vitamin B1, B2, Lysine; Methionine, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng và tăng trí thông minh.

 21/10/2024 15:18:58 |  88

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn không bùn

Lươn đồng Monopterus albus, loài nuôi có giá trị kinh tế cao. Ảnh – Ngọc Tú

Lươn đồng là loài dễ nuôi có thể áp dụng nhiều hình thức khác nhau: nuôi có bùn hoặc không bùn, nuôi ao bạt hoặc bể xi măng tận dụng, có thể nuôi ở mật độ cao và hiệu quả kinh tế khá cao. Ngoài ra, lươn đồng đã được sinh sản nhân tạo thành công đáp ứng được nhu cầu con giống ngày càng tăng của người nuôi. Xin giới thiệu đến người nuôi kỹ thuật nuôi lươn không bùn đang được áp dụng hiệu quả hiện nay.

Xây dựng bể

Bể nuôi lươn thương phẩm có thể sử dụng bể xi măng hoặc bể lót bạt có kích thước từ 30-50 m2, tùy vào quy mô sản xuất và trình độ kỹ thuật của người nuôi để lựa chọn kích thước phù hợp.

Thiết kế bể nuôi phải có cống thoát nước và ống chống tràn, thuận lợi cho việc tháo nước và phòng tránh lươn thoát ra ngoài. Bể nuôi có hình chữ nhật, tiện cho việc quản lý và chăm sóc mô hình. Nếu nuôi ngoài trời nên có mái che tránh nắng mua. Đặc tính của lươn là tránh ánh sáng nên cần giá thể để làm nơi trú ẩn cho lươn, giai đoạn này có thể sử dụng giá thể là những khung tre ngang dọc có che bạt thay bùn.

Con giống và thuần dưỡng

Chọn lươn giống đồng đều kích cỡ, khỏe mạnh và không bị xây xát. Nên chọn lươn giống từ các cơ sở sản xuất giống nhân tạo có uy tín hoặc giống lươn tự sản xuất thay cho lươn giống đánh bắt ngoài tự nhiên. Lươn giống nhân tạo đã quen với môi truờng nuôi và sử dụng đuợc thức ăn công nghiệp nên thuận lợi cho quá trình nuôi thuơng phẩm. Đối với lươn giống sinh sản nhân tạo, chỉ cần thuần hóa cho lươn quen với điều kiện môi truờng 3-5 ngày là có thể đưa vào bể nuôi.

Đối với lươn khai thác tự nhiên thuờng phải trải qua thời gian thuần hóa môi truờng và thuần dưỡng thức ăn. Ngoài ra, nếu nguồn lươn giống đuợc đánh bắt bằng xung điện thì tỷ lệ sống rất thấp (20-30%) và chậm lớn. Đối với nguồn giống này khi đưa về cần tắm nước muối 2-3% hoặc iodine 1-2 ppm trong thời gian 5 phút. Đặc biệt, giai đoạn khó khăn nhất đối với lươn tự nhiên phải cần thời gian thuần duỡng chuyển đổi thức ăn từ tính ăn động vật sang thức ăn công nghiệp, thời gian thuần duỡng thức ăn từ 1-2 tháng.

Cỡ lươn giống thích hợp nuôi thương phẩm từ 100-120 con/kg. Mật độ nuôi từ 80-120 con/m2. Có thể nuôi với mật độ 150-200 con/m2 nhưng phải theo dõi quản lý tốt chất lượng nước và thường xuyên phân cỡ.

Nguồn nước

Nước nuôi lươn phải không ô nhiễm bởi các loại chất thải từ công nghiệp, nông nghiệp, không nhiễm nước thải sinh hoạt. Nếu sử dụng nước máy nuôi lươn nên để qua đêm làm bay clo, có thể sử dụng nguồn nước ngầm sạch nhưng phải có sục khí để tăng hàm lượng oxy trong nước ngầm. Mực nước nuôi lươn thích hợp từ 25-35 cm.  Quản lý chất lượng nước luôn sạch là yếu tố quan trọng để tăng tỷ lệ sống và giúp lươn nuôi phát triển nhanh. Giai đoạn cho ăn cá xay nhuyễn hay thức ăn có độ đạm cao, thức ăn tan trong nước và dư dễ gây ô nhiễm nước, làm gia tăng khí độc, giảm lượng oxy hòa tan, từ đó ảnh hưởng đến sự bắt mồi cũng như tăng trưởng của lươn. Khi nước nuôi nhiễm bẩn thường xảy ra hiện tượng lươn con thân thẳng đứng, đầu nhô lên mặt nước để thở. Khi phát hiện dấu hiệu này cần thay nước mới cho lươn. Do đó, để giúp lươn tăng trưởng tốt cần thường xuyên vệ sinh ao/bể nuôi, thay nước 30-50% sau khi lươn ăn xong, vớt bỏ thức ăn dư thừa. Nhiệt độ nước duy trì từ 25-30oC, pH từ 7-8, oxy hòa tan >3 mg/L.

Thức ăn và cách cho ăn

Thức ăn: Thức ăn sử dụng cho nuôi thương phẩm là thức ăn công nghiệp (25-30% đạm) và các loại thức ăn tươi sống như cá tạp (ít xương dăm), ốc bươu vàng, hến.

Chế độ cho ăn: Cho lươn ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều tối. Trong những ngày đầu nên cho lươn ăn thịt cá tạp, ốc băm nhuyễn, sau đó chuyển dần sang thức ăn công nghiệp. Lượng thức ăn từ 5-7% khối lượng thân. Nếu sử dụng thức ăn tươi băm nhuyễn thì phải sử dụng thêm sàn ăn (hình vuông kích thước 30x30 cm), mỗi bể đặt từ 2-3 sàn để lươn dễ dàng sử dụng. Đối với việc cho ăn thức ăn cá tạp thì cần theo dõi và thay nước ngày 1 lần.

Thời gian nuôi

Tùy vào mùa vụ của từng địa phương để chọn thời gian nuôi thích hợp, đối với khu vực miền Trung có thể nuôi lươn từ tháng 3 hàng năm, thời gian nuôi lươn thương phẩm từ 7-8 tháng.

Thu hoạch

Tùy vào giá cả thị trường cũng như nhu cầu của người nuôi để lựa chọn thời điểm thu hoạch thích hợp. Đầu tiên, cần tháo một phần nước để lại khoảng 5 cm, sau đó dỡ bỏ giá thể ra ngoài nhằm tránh xây xát rồi sử dụng vợt để bắt toàn bộ lươn thương phẩm đi tiêu thụ. Nên thu lươn vào buổi sáng tránh khi có thời tiết nắng và nhiệt độ cao.

Năng suất lươn thương phẩm từ 8-10 kg/m2, kích thước từ 7-9 con/kg, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) tùy vào loại thức ăn sử dụng. Đối với thức ăn công nghiệp FCR dao động từ 2,5-3; thức ăn phối hợp chế biến từ 4-5; thức ăn cá tạp từ 5-6./.

Ngọc Tú



Lượt truy cập: 48654

Đang truy cập: 164