Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Hiệu quả mô hình nuôi thương phẩm cá điêu hồng trong lồng bè gắn với liên kiết tiêu thụ sản phẩm tại Phù Cát

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Cát triển khai thực hiện mô hình Nuôi thương phẩm cá điêu hồng trong lồng bè trên hồ chứa hoặc đập dâng gắn với liên kiết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 100 m3, tại bè nuôi anh Hồ Văn Khương tại hồ Hội Sơn, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát.

 22/10/2024 09:20:16 |  81

Hiệu quả mô hình nuôi thương phẩm cá điêu hồng trong lồng bè gắn với liên kiết tiêu thụ sản phẩm tại Phù Cát

Phát triển nghề nuôi cá gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh - TTKN

Tham gia mô hình, anh Khương được hỗ trợ 50% kinh phí về giống, thức ăn và các vật tư thiết yếu để triển khai. Đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật nuôi trong suốt quá trình thực hiện mô hình với các biện pháp kỹ thuật quan trọng như: chuẩn bị lồng bè, thả cá giống, chăm sóc quản lý cá và lồng bè, phòng trị bệnh,....

Theo đó, với quy mô 100 m3, anh Khương tiến hành thả 10.000 con giống cá Điêu hồng trong 2 lồng nuôi, diện tích mỗi lồng 50 m3. Sau 6 tháng nuôi, cá sinh trưởng phát triển rất tốt, lớn nhanh, tỷ lệ phân đàn thấp, không xuất hiện bệnh, tỷ lệ sống của cá đạt 80%, kích cỡ thương phẩm cá đạt trung bình 700g/con, ước tính tổng sản lượng đạt 5.600 kg. Hiện nay, giá thu mua cá khoảng 52.000 đồng/kg, nhờ vậy lợi nhuận mang lại cho gia đình anh Khương ước tính hơn 100 triệu đồng/100 m3.

Cá điêu hồng thương phẩm. Ảnh - TTKN

Anh Khương, cho biết: Gia đình tôi nuôi cá điêu hồng trong lồng bè trên hồ chứa Hội Sơn đã nhiều năm nay. Mặc dù, nuôi cá điêu hồng trong lồng bè có nhiều ưu điểm như: tương đối dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thời gian sinh trưởng ngắn,,... Nhưng vấn đề đầu ra khó khăn và giá cả bấp bênh luôn là nỗi lo của tôi trong mỗi vụ nuôi. Khi tham gia mô hình, tôi được hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi nên cá lớn nhanh, không xuất hiện bệnh, năng suất cao. Đồng thời, được hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý nên tôi rất yên tâm, không còn lo lắng như trước. Giờ đây chỉ việc tập trung nuôi cá, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Kỹ sư Nguyễn Khắc Tùng Tiến, Phó trưởng Phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông), cho biết: Nghề nuôi cá điêu hồng trong lồng bè trên hồ chứa thủy lợi đã được các hộ dân phát triển từ rất lâu. Tuy nhiên, hình thức nuôi chủ yếu tự phát, cùng với đó là giá cá thương phẩm bấp bênh, nên người nuôi rất khó khăn, chưa tìm ra được hướng đi mới để mở rộng phát triển sản xuất. Kết quả mô hình đem lại rất khả quan, lợi nhuận mang lại cho các hộ dân cũng cao hơn so với trước đây. Đặc biệt những lo lắng trước đây đã được giải quyết triệt để, thông qua việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý. Đó là cơ sở để các hộ nuôi mạnh dạn đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với lợi thế về điều kiện sẵn có từ các hồ chứa nước thủy lợi, thì đây là một mô hình cần phải được duy trì và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục thông tin tuyên truyền, nhân rộng mô hình, duy trì liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp người nuôi thủy sản trong lồng bè trên các hồ chứa thủy lợi yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống./.

Mai Thị Bích Hạnh



Lượt truy cập: 48670

Đang truy cập: 174