Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nông dân về nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc

Ngày 7.6, tại xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), Trung tâm Khuyến nông tổ chức Chương trình gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với 70 hộ nuôi tôm trên địa bàn các xã Mỹ Chánh, Mỹ Thành và Mỹ Cát về kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc.

 10/06/2024 09:36:03 |  48

Gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nông dân về nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc

Các hộ nuôi tôm tại buổi gặp gỡ. Ảnh - TTKN

Tại buổi gặp gỡ, các hộ nuôi tôm được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc từ khâu chuẩn bị, xây dựng công trình nuôi, kỹ thuật ương tôm và nuôi thương phẩm theo hai giai đoạn, quản lý thức ăn và môi trường ao nuôi... Đồng thời, giải đáp một số thắc mắc của người nuôi về biện pháp phòng và trị một số bệnh thường gặp trên tôm thẻ chân trắng; các chính sách, định hướng phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới tại Bình Định.

Công nghệ Semi – Biofloc mang lại hiệu quả lớn cho người nuôi tôm. Về năng suất, áp dụng công nghệ Semi – Biofloc giúp tăng năng suất gấp đôi so với nuôi thông thường (sản lượng tăng do mật độ thả nuôi có thể đạt từ 180 – 200 con/m2, trong khi nuôi thông thường mật độ nuôi từ 100 – 150 con/m2, nuôi quảng canh thì còn thấp hơn, chỉ từ 50 – 60 con/m2); chi phí đầu vào giảm từ 10 – 15% so với nuôi thông thường (do giảm được chi phí thuốc kháng sinh phòng bệnh, chi phí thức ăn hao hụt); hạn chế được sử dụng lượng nước ngầm so với nuôi thông thường nhờ ổn định môi trường nước bằng vi tảo,... Công nghệ Semi – Biofloc tương đối dễ tiếp nhận và làm chủ, đặc biệt ở giai đoạn đầu người nuôi nên nắm thật chắc quy trình xử lý ao nuôi; theo dõi lượng nước, thực hiện tốt kỹ thuật ủ mật rỉ đường và nuôi cấy khối floc.

Đây là công nghệ nuôi mới, nếu áp dụng tốt vào nuôi tôm thương phẩm thì có thể giảm được dịch bệnh, hạn chế sử dụng hoặc không sử dụng kháng sinh trong mỗi vụ nuôi. Qua đó, người nuôi giảm được chi phí sản xuất, kiểm soát tốt dư lượng kháng sinh trong con tôm thương phẩm, giúp nâng cao được giá thành sản phầm và hiệu quả kinh tế, thu nhập tăng hơn đáng kể so với trước đây./.

Trần Quang Nhựt



Lượt truy cập: 41409

Đang truy cập: 4294967207