Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Dự thảo Chiến lược phát triển Khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050

Hoạt động khuyến nông Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong suốt 30 năm qua, đã cùng ngành nông nghiệp giúp nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, gia tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Sức mạnh xuyên suốt của khuyến nông Việt Nam chính là hệ thống, vì vậy chiến lược khuyến nông phải thể hiện nội dung để duy trì sức mạnh hệ thống.

 18/12/2023 16:29:22 |  226

Dự thảo Chiến lược phát triển Khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khuyến nông vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: Cơ chế, chính sách hoạt động chưa đồng bộ, có đổi mới nhưng còn chậm; hệ thống tổ chức thiếu đồng bộ, còn xáo trộn từ trung ương tới địa phương; chưa có sự thống nhất vai trò, vị trí định hướng hoạt động từ trung ương đến địa phương, hoạt động nặng về chuyển giao kỹ thuật, chưa chú trọng đến yếu tố kinh tế, thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống khu vực nông thôn, nâng cao năng lực nông dân. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của công tác khuyến nông. Năng lực cán bộ khuyến nông còn hạn chế, thiếu các kiến thức, kỹ năng quản lý, quản trị, chuyển đổi số… Công tác khuyến nông cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả trong và ngoài nước, làm suy yếu tính liên kết bền vững của hệ thống.

Do vậy, việc xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển khuyến nông Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới.

Dự thảo Chiến lược đặt ra mục tiêu chung là xây dựng hệ thống khuyến nông xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở, hướng đến nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, chất lượng cuộc sống và thu nhập của nông dân. Đa dạng hóa nội dung và phương thức hoạt động theo hướng xã hội hóa, phát triển khuyến nông điện tử. Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần tạo động lực chuyển đổi và phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu cụ thể, sẽ củng cố, mở rộng hệ thống khuyến nông nhà nước đảm bảo các địa bàn trên cả nước đều có tổ chức và cán bộ khuyến nông phụ trách. Phát triển khuyến nông cộng đồng đảm bảo 100% xã nông thôn mới có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả theo tiêu chí nông thôn mới. Phát triển lực lượng khuyến nông ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Phát triển khuyến nông điện tử, đến năm 2030: 100% tài liệu khuyến nông được số hóa và phổ biến rộng rãi đến người nông dân. Chuẩn hóa năng lực cán bộ khuyến nông các cấp, đến năm 2030: 100% đội ngũ cán bộ khuyến nông được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ khuyến nông. Nâng cao hiệu quả chuyển giao kỹ thuật trong hoạt động khuyến nông, xây dựng các mô hình khuyến nông kiểu mẫu gắn với các sản phẩm chủ lực và liên kết theo chuỗi giá trị.

Dự thảo Chiến lược cũng xác định 8 định hướng phát triển khuyến nông trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Khuyến nông đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo chiến lược phát triển của ngành; Xây dựng, phát triển hệ thống khuyến nông; Hình thành, phát triển khuyến nông số; Phát triển khuyến nông vùng đặc thù và đối tượng đặc thù; Phát triển khuyến nông đô thị; Đẩy mạnh phân cấp trong hoạt động khuyến nông; Phối hợp chặt chẽ công tác nghiên cứu, khuyến nông và đào tạo; Hoàn thiện thể chế, chính sách về khuyến nông./.

BBT tổng hợp



Lượt truy cập: 41409

Đang truy cập: 4294967207