Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Điểm sáng từ mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn

Bình Định là một trong những tỉnh có nghề trồng rừng phát triển mạnh, toàn tỉnh hiện có 124.871 ha rừng trồng, rừng quy hoạch chức năng sản xuất là 73.284 ha, trong đó, rừng trồng cây Keo các loại chiếm trên 80% rừng sản xuất. Mặc dù, diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất đã tăng trong thời gian qua, mỗi năm khai thác khoảng 8.000 ha, sản lượng khoảng 01 triệu tấn gỗ, nhưng chỉ có 15-20% trong số đó được phục vụ cho ngành chế biến gỗ, còn lại chủ yếu phục vụ cho các nhà máy chế biến dăm và sản xuất viên nén. Do vậy, giá trị kinh tế còn thấp, chưa có các giải pháp về kỹ thuật và chính sách để phát triển rừng trồng gỗ lớn phục vụ cho sản xuất đồ mộc, gỗ xuất khẩu với giá trị kinh tế cao.

 26/12/2022 09:25:25 |  541

Điểm sáng từ mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, kiểm tra tiến độ triển khai mô hình

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 10.000 ha, vì vậy trong thời gian đến, toàn tỉnh phấn đấu trồng thêm 7.334 ha diện tích rừng gỗ lớn (hiện nay có khoảng 3.175 ha). Xuất phát từ nhu cầu thực tế trên, trong giai đoạn 2020 - 2022 từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện Vân Canh, Tây Sơn và Vĩnh Thạnh triển khai thực hiện mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống Keo lai mô được công nhận” với diện tích 150 ha tại 8 điểm trình diễn.

Mô hình được triển khai trên địa bàn 5 xã: Canh Hiển, Canh Hiệp, Canh Hòa (huyện Vân Canh), Vĩnh An (huyện Tây Sơn) và Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), với sự tham gia của 56 hộ trồng rừng. Với việc sử dụng các giống cây Keo lai mô đã được công nhận, với các dòng AH1 (100 ha), BV75 (45 ha) và AH7 (5 ha) để nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp. Cây giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô nên chất lượng tốt, có bộ rễ cọc phát triển mạnh, ăn sâu xuống đất, ít cành nhánh hạn chế đổ gãy, chống chịu tốt với thời tiết khô hạn, gió, bão và ít bị sâu bệnh, năng suất cao hơn so với các dòng Keo đang trồng đại trà khoảng 10 m3/ha/năm.

Kết quả triển khai rừng trồng từ năm 2020 đến nay, rừng trồng được 24 tháng tuổi, sử dụng giống keo lai mô AH1, AH7 và BV75 chất lượng tốt, có bộ rễ khỏe và có sức chống chịu nắng hạn, gió bão tốt, mật độ là 1.666 cây/ha đúng mật độ thiết kế được duyệt. Rừng sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu, bệnh, tỷ lệ sống đạt 94,2%; đường kính ngang ngực đạt 7,5 cm; chiều cao vút ngọn đạt 8,5m, trữ lượng đạt 31,26 m3/ha, tăng trưởng bình quân năm đạt 15,63 m3/ha/năm.

Rừng trồng năm 2021 (được 12 tháng tuổi)

Rừng trồng năm 2020 (được 24 tháng tuổi)

Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, tổng kết, tham quan thực tế tại các mô hình các hộ dân đều rất hào hứng và đánh giá cao về sự sinh trưởng, phát triển vượt trội của các giống keo lai mô trong mô hình so với rừng cùng tuổi được trồng đại trà tại địa phương (trồng keo hom, mật độ từ 3.000 - 4.000 cây/ha). Nhiều hộ đã hỏi thông tin liên hệ về mua giống, kỹ thuật trồng,… nên khả năng nhân rộng mô hình là rất lớn.

Thành công bước đầu từ các mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống Keo lai mô đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng các giống keo lai nuôi cấy mô mới, được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, chất lượng cao và trồng rừng thâm canh cung cấp gỗ lớn nên trồng với mật độ thấp khoảng 1.660 cây/ha, đầu tư bón phân cho rừng trồng trong 3 năm đầu. Bên cạnh đó, trồng rừng bằng giống keo lai nuôi cấy mô có hệ rễ cọc ăn sâu xuống đất, với chu kỳ 10 năm trở lên sẽ góp phần chống xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu./.

Bà Nguyễn Thị Tố Trân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, phát biểu tại Hội thảo tổng kết

 

Thành Trung



Lượt truy cập: 41409

Đang truy cập: 4294967223