Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Chuyển giao thành công mô hình thâm canh cây ngô tại tỉnh Salavan, nước CHDCND Lào

Trong những năm qua, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Lào nói chung, giữa tỉnh Bình Định với các tỉnh Nam Lào nói riêng, trong đó có tỉnh Salavan.

 28/03/2025 14:12:24 |  42

Chuyển giao thành công mô hình thâm canh cây ngô tại tỉnh Salavan, nước CHDCND Lào

Lãnh đạo Sở Nông Lâm nghiệp Salavan đánh giá, nghiệm thu mô hình. Ảnh - QT

Thực hiện theo Biên bản ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Định và chính quyền 04 tỉnh Nam Lào giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 495/QĐ-SNN ngày 06/8/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định về việc điều chỉnh nội dung và dự toán Kinh phí hợp tác với 04 tỉnh Nam Lào năm 2024 của Trung tâm Khuyến nông Bình Định. Từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai thực hiện mô hình thâm canh cây ngô với quy mô 5,0 ha cho 42 hộ dân tại 04 bản (Phôn Tan, Phôn Boc, Dông Nong và Na Khoi Sao) của huyện Salavan, tỉnh Salavan, nước CHDCND Lào.

Mô hình triển khai với mục tiêu chính là hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật trồng thâm canh cây ngô cho hộ dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương, tạo tiền đề nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Bàn giao vật tư thực hiện mô hình tại tỉnh Salavan, nước CHDCND Lào. Ảnh: QT

Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã phối hợp Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Salavan thực hiện khảo sát chọn hộ, chọn địa điểm để thực hiện. Trung tâm tổ chức đấu thầu mua giống, phân bón, thuốc BVTV và các vật tư liên quan tại Việt Nam, thuê đơn vị vận chuyển lượng vật tư từ Bình Định qua tỉnh Salavan cụ thể: 100 kg giống ngô nếp lai f1 SD 268, 7.500 kg phân hữu cơ vi sinh, 2.000 kg phân Ure, 1.000 kg phân Kali, 3.000 kg phân Lân, 25 kg chế phẩm Trichoderma, 100 gói thuốc trừ cỏ, 100 gói thuốc kích thích sinh trưởng, 100 kg thuốc xử lý đất, 200 hũ thuốc trừ sâu, 50 chai thuốc trừ bệnh, 5 bình phun thuốc (bình điện) và 1 bảng cắm mô hình (hỗ trợ 100%). Bên cạnh đó, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật sang hỗ trợ, hướng dẫn người dân về kỹ thuật làm đất, xuống giống, bón phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.

Cấp vật tư cho hộ dân tham gia mô hình. Ảnh:QT

Kết quả mang lại rất khả quan, cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất lý thuyết (hạt) đạt 8,4 tấn/ha, cao hơn đối chứng 2,1 tấn/ha (33,3%); Năng suất thực thu (trái bắp tươi) đạt 15,5 tấn/ha, cao hơn so với đối chứng 3,6 tấn/ha (31,2%); Lợi nhuận đạt trung bình 81.940.000 đồng/ha, cao hơn đối chứng 21.590.000 đồng/ha (36,0%). Đồng thời, mô hình đã nâng cao ý thức cho hộ dân về việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh tăng năng suất ngô, phòng trừ sâu bệnh hại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu tác động môi trường cũng như thích ứng tốt với điều kiện canh tác tại địa phương, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa chuyển đổi, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Thạc sỹ  Hồ Quang Thạch, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, cho hay: Mặc dù triển khai thực hiện mô hình thâm canh cây ngô trong mùa khô tại tỉnh Salavan còn nhiều khó khăn như hệ thống tưới tiêu chưa đồng bộ, khí hậu khô - lạnh, diện tích phân bố tại nhiều bản của huyện Salavan, số lượng người dân tham gia đông. Trong khi người dân ở đây kinh nghiệm, kỹ thuật thâm canh cây ngô còn nhiều hạn chế. Nhưng với sự cố gắng của các bên liên quan, người dân chịu khó học hỏi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao nên mô hình đã đạt hiệu quả cao, các chỉ tiêu sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực đều đạt, cao hơn so với tập quán sản xuất của người dân từ 31 - 33%, hiệu quả kinh tế mang lại trên 35%. Được chính quyền và người dân ghi nhận và đánh giá rất cao.

Ông Sinxay Phetphenglasy, Phó giám đốc Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Salavan đánh giá: Được sự hỗ trợ vật tư, kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường). Mô hình thâm canh cây ngô áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao đã mang lại hiệu quả khá cao, chuyển giao được cho người dân. Đặc biệt đã dần thay đổi tập quán sản xuất, thâm canh cây trồng cho người dân và phương thức chỉ đạo sản xuất của các đơn vị liên quan. Trong thời gian tới, Sở Nông Lâm nghiệp sẽ chỉ đạo, định hướng phát triển và nhân rộng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật như trên./.

Quang Thạch



Lượt truy cập: 109356

Đang truy cập: 4294965859