09/06/2022 08:23:21 | 382
Đoàn thanh niên Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định chung tay trồng rừng ngập mặn. Ảnh - QTV
Những ngày cuối tháng 5.2022, lực lượng ĐVTN của Đoàn Thanh niên Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung về Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại trồng cây ngập mặn. 500 cây bần chua từ Vườn ươm giống cây ngập mặn (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) được trồng phân tán khắp các khoảng trống ở những bãi bồi, bờ bao khu vực đầm.
Cùng với trồng rừng, các bạn trẻ dành thời gian đi thực tế ở các cánh rừng đang lên xanh, kiểm đếm các cây giống ngập mặn, chăm sóc những cây con. Đồng thời, để lan tỏa thêm về lợi ích của rừng ngập mặn trong hệ sinh thái vùng đầm, nhiều đoàn viên trò chuyện với cư dân địa phương, những người đang mưu sinh trên đầm, chủ những hồ tôm ven đầm… Màu xanh của những cánh rừng ngập mặn ở Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại bắt đầu bén rễ từ những cây con của ngày hôm nay, từ những hoạt động thường niên trong trồng mới gắn với bảo vệ rừng của ngành Nông nghiệp tỉnh.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Đức Vương, Bí thư Đoàn Thanh niên Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: “Từ năm 2022, Đoàn Thanh niên của Sở duy trì thường xuyên hoạt động trồng cây ngập mặn phân tán, tập trung ở khu vực các đầm trong tỉnh. Trồng cây ngập mặn khó hơn nhiều so với trồng cây trên cạn, đặc biệt là tỷ lệ sống thấp hơn nhiều. Nhưng chính vì khó như thế nên càng phải trồng rừng và động viên người dân giữ rừng. Chúng tôi xem 1 cây rừng bén rễ là nhóm lên một vùng hy vọng”.
Đến nay toàn tỉnh có 88,11 ha rừng ngập mặn tập trung ở khu vực các bãi triều, bờ bao khu vực đầm Thị Nại và đầm Đề Gi, trong đó 53 ha rừng đã lên xanh - đây là những diện tích rừng được trồng và bảo vệ trong giai đoạn 2010 - 2020, và 35,41 ha mới trồng trong thời gian gần đây. Theo Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn giai đoạn 2021 - 2025, Sở Nông nghiệp và PTNT giao Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức trồng mới thêm 10 ha rừng ngập mặn ở các khu vực còn trống, các bờ bao…; phối hợp với các hộ dân được giao khoán bảo vệ rừng thực hiện chăm sóc, bảo vệ rừng. Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các trung tâm dịch vụ nông nghiệp ở các địa phương có rừng ngập mặn triển khai một số mô hình nuôi trồng thủy sản tổng hợp kết hợp với bảo vệ rừng ngập mặn.
Năm 2022, gia đình ông Lê Kim Đông, ở thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát đấu thầu 14.000 m2 mặt nước bao gồm cây ngập mặn để nuôi trồng thủy sản. Nhờ được cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn kỹ thuật chi tiết, ông Đông nuôi tổng hợp tôm, cua, cá dưới tán rừng; làm bờ bao trồng thêm cây ngập mặn ở khu vực đất trống, bãi bồi. Ông Đông cho hay, nhờ được hướng dẫn đầy đủ về kỹ thuật chăm sóc, nuôi tổng hợp tôm, cua, cá dưới tán rừng ngập mặn, người dân ở đây hiểu thêm về tầm quan trọng của rừng ngập mặn. Nuôi tổng hợp thủy sản dưới tán rừng chi phí đầu vào thấp, hiệu quả kinh tế cao hơn so với các mô hình khác; quan trọng vừa nuôi vừa bảo vệ rừng, góp phần khôi phục hệ sinh thái, không chỉ tôm cá nuôi mà rừng phát triển thì tôm cá tự nhiên theo đó tăng lên.
Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, việc bảo vệ rừng ngập mặn phải dựa vào cộng đồng cư dân ở khu vực ven rừng. Chỉ khi họ hiểu được vai trò của rừng, giữ rừng và tham gia vào công tác bảo vệ, tái tạo rừng thì việc bảo vệ rừng mới bền vững. Để người dân ở ven rừng ngập mặn hiểu được điều này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tích cực tìm tòi, xây dựng nhiều mô hình vừa kết hợp bảo vệ rừng vừa phát triển kinh tế cho người dân. Từ những mô hình đó, người dân bắt đầu hiểu, tin tưởng và chung tay với ngành chức năng trong việc bảo vệ rừng ngập mặn./.
Theo Thu Dịu - Báo Bình Định
Lượt truy cập: 66246
Đang truy cập: 4294967077