Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Cây hành VietGAP ở xã Mỹ Thọ

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông thực hiện thí điểm trồng hành theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Chánh Trạch 2, xã Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ), quy mô 1 ha. Mô hình được hỗ trợ 50% chi phí vật tư, giống, người dân đối ứng 50%. Ngoài việc chuyển giao kỹ thuật thâm canh hành theo tiêu chuẩn VietGAP, Trung tâm tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP trên rau dưa nói chung, phổ biến các thông tin liên quan để người dân nắm bắt và chuyển đổi dần trong quá trình sản xuất cho 30 hộ dân ở thôn Chánh Trạch 2.

 29/07/2023 08:11:28 |  207

Cây hành VietGAP ở xã Mỹ Thọ

Người dân Mỹ Thọ làm quen với sản xuất hành VietGAP từ mô hình thí điểm sản xuất cây hành đạt tiêu chuẩn VietGAP do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện. Ảnh: THU DỊU

Theo cán bộ chuyên môn ngành nông nghiệp, chuyển từ trồng hành theo kiểu cũ sang thâm canh hành đạt tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi phải nghiêm túc, cẩn thận hơn trong canh tác, mất nhiều công sức hơn, nên ban đầu nhiều người e ngại. Tuy nhiên khi được hỗ trợ và giải đáp cặn kẽ về tác động, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, môi trường và chính bản thân người trồng hành, bà con đã hưởng ứng nhiệt tình và thực hiện đúng các bước trong quy trình. Trong vụ đầu tiên sản xuất hành VietGAP, cán bộ Trung tâm Khuyến nông đứng chân địa bàn, theo suốt toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây hành.

Bà Nguyễn Thị Hương, một nông dân ở thôn Chánh Trạch 2 kể, gia đình bà chuyển đổi được 4 sào ruộng chuyên canh lúa sang làm 1 vụ lúa, 1 vụ hành đã 3 năm. Năm nay, khi được UBND xã thông tin có buổi tập huấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh về kỹ thuật trồng hành VietGAP, tôi rủ nhiều người cùng tham gia. Trước đây khi làm theo kiểu cũ, tiện đâu làm đó, từ chọn giống, làm đất, phòng trừ bệnh hại đều dựa vào thói quen. Với kỹ thuật VietGAP chúng tôi hiểu ra từng điểm một về lợi ích bền vững của kỹ thuật này nên hăng hái làm theo.

Cây hành “bén rễ” trên đất Mỹ Thọ hơn 7 năm nay. Từ việc trồng một vài sào tận dụng đất bỏ trống trong vụ Mùa, đến nay toàn xã Mỹ Thọ có 100 ha trồng hành trên đất lúa chuyển đổi. Cây hành thích nghi với chân đất ở Mỹ Thọ, song đặc thù là giống cây chịu tác động lớn của thời tiết, dễ phát sinh bệnh lý cao, do vậy cây hành đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn. Năm 2022, sau khi nhiều diện tích hành ở Mỹ Thọ bị chết bất thường do mắc bệnh vàng lá, ngành nông nghiệp huyện Phù Mỹ đề xuất Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ thực hiện mô hình thâm canh hành đạt tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Chánh Trạch 2.

Nói về định hướng này ông Trần Xuân Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ cho hay, việc áp dụng quy trình canh tác tiên tiến giúp sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn, thu nhập tăng lên. Thêm nữa, trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện giai đoạn 2021 - 2025, xã Mỹ Thọ sẽ phải nâng cao các tiêu chí theo bộ tiêu chí mới, phải có được các mô hình sản xuất bền vững, phù hợp với yêu cầu chung. Từ mô hình sản xuất cây hành đạt tiêu chuẩn VietGAP, xã Mỹ Thọ có thêm kinh nghiệm trong việc tổ chức sản xuất và nhân rộng ra toàn vùng rau màu phù hợp.         

Theo Báo Bình Định



Lượt truy cập: 41409

Đang truy cập: 4294967196