Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả trong canh tác xoài

Xoài có thể trồng quanh năm trong điều kiện chủ động nước tưới, nhưng tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa từ tháng 9 - 10 (dương lịch) hàng năm. Để nâng cao hiệu quả trong canh tác xoài, bà con nông dân cần lưu ý một số giải pháp kỹ thuật sau:

 26/06/2024 15:38:34 |  103

Các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả trong canh tác xoài

Thiết kế vườn trồng xoài trên đất bằng phẳng. Ảnh - Quang Thạch

1. Chọn giống

Chọn giống xoài ghép để giữ được đặc tính tốt của cây mẹ, nhanh cho thu hoạch và nguồn gốc rõ ràng. Cây giống phải đảm bảo theo 10TCN 473-2001 như: Sinh trưởng khỏe, không nhiễm sâu bệnh, thân và cổ rễ thẳng, các lá ngọn đã trưởng thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống; Tuổi cây 4 - 5 tháng sau khi ghép, không phân cành, có ít nhất 2 tầng lá, chiều cao cây từ mặt giá thể đến đỉnh chồi từ 60 - 80 cm, đường kính thân (đo phía trên vết ghép 2 cm) ≥1 cm.

2. Thời vụ trồng

Xoài có thể trồng quanh năm trong điều kiện chủ động nước tưới, nhưng tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa từ tháng 9 - 10 (dương lịch) hàng năm.

3. Chọn đất và thiết kế vườn trồng

Chọn đất có tầng canh tác dày trên 1 m, thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình, thoát nước tốt, pH đất từ 5 - 7.  Trước khi thiết kế vườn trồng phải dọn sạch và cải tạo mặt bằng. Tùy theo quy mô, diện tích, địa hình đất để thiết kế cho phù hợp:

- Đất bằng phẳng (độ dốc nhỏ hơn 80): Thiết kế hàng theo hướng Bắc Nam.

- Đất dốc (độ dốc lớn hơn 80): Thiết kế hàng theo đường đồng mức, bề mặt đường  đồng mức từ 3 - 5 m.

4. Kỹ thuật trồng

- Đào hố (kích thước 60 cm x 60 cm x 60 cm) trước khi trồng 1 tháng. Khi đào hố, để phần đất mặt tơi xốp một bên và phần đất phía dưới hố một bên.

- Trồng với khoảng cách 6 m x 6m (278 cây/ha). Đào một hố nhỏ chính giữa hố trồng. Dùng dao sắc bén cắt đáy bầu, rạch bên hông bầu sau đó đặt xuống hố, mặt bầu bằng mặt đất; vừa lấp đất vừa rút bỏ túi bầu, lèn đất xung quanh bầu, tránh làm vỡ  bầu, dùng cọc và dây mềm cố định cây thẳng, tránh gió làm long gốc. Sau khi trồng thường xuyên giữ ẩm để cây bén rễ và phục hồi. 

5. Kỹ thuật bón phân

5.1. Bón lót

- Lượng phân bón cho 1 hố: 20 kg phân chuồng hoai mục hoặc 2 kg phân hữu cơ vi sinh + 1 kg phân lân nung chảy + 1 kg vôi bột.

- Kỹ thuật bón: Trộn đều các loại phân trên với lớp đất mặt bón xuống đáy tới 3/4 hố. Đất còn lại lấp phủ trên mặt hố cao hơn mặt hố khoảng 5 - 10 cm. Lấp hố và bón lót trước khi trồng ít nhất từ 15 - 20 ngày.

5.2. Bón thúc

5.2.1. Giai đoạn kiến thiết cơ bản (KTCB)

a) Phân hữu cơ: Bón 20 kg phân hữu cơ hoai mục/cây (hoặc 2 kg phân hữu cơ vi sinh/cây); định kỳ 1 lần/năm, bón vào đầu mùa mưa.

b) Vôi: Bón 0,2 kg/cây, vào đầu mùa mưa.

c) Lượng phân vô cơ/cây/năm (gam):

- Năm 1 sau trồng: 250 gam phân Urê + 650 gam phân Lân + 150 gam phân Kali.

- Năm 2 sau trồng: 250 gam phân Urê + 650 gam phân Lân + 150 gam phân Kali.

- Năm 3 sau trồng: 450 gam phân Urê + 1.300 gam phân Lân + 300 gam phân Kali.

- Kỹ thuật bón:

+ Bón 2 lần/năm (vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa), chia đều lượng phân cho mỗi lần bón.

+ Rạch rãnh xung quanh tán sâu khoảng 10 - 15 cm, rắc phân vào rãnh rồi lấp đất lại. Bón phân kết hợp với làm cỏ, xới xáo.

5.2.2. Giai đoạn kinh doanh (từ năm thứ 4 trở đi)

a) Phân hữu cơ: Bón 30 kg phân hữu cơ hoai mục/cây (hoặc 3 kg phân hữu cơ vi sinh/cây); định kỳ 1 lần/năm (vào đầu mùa mưa).

b) Vôi: Bón 0,3 kg/cây, vào đầu mùa mưa.

c) Lượng phân vô cơ/cây/năm (kg):

- Năm 4 sau trồng: 1 kg phân Urê + 2,5 kg phân Lân + 0,5 kg phân Kali.

- Năm 5 sau trồng: 1 kg phân Urê + 2,5 kg phân Lân + 0,5 kg phân Kali.

- Năm 6 sau trồng: 1,5 kg phân Urê + 4,5 kg phân Lân + 1 kg phân Kali.

- Năm thứ 7 sau trồng trở đi: Các năm tiếp theo dựa vào năng suất thu hoạch quả vụ trước để bón phân. Tăng liều lượng phân bón lên 10 - 15% mỗi năm và không tăng thêm nữa tùy vào sự giao tán và sinh trưởng của cây.

- Kỹ thuật bón:

+ Vùng chủ động nước tưới: Bón 4 lần/năm, rạch rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, sâu 10 - 20 cm cho phân vào lấp đất lại tưới nước.

 + Sau thu hoạch: Bón 60% phân Urê + 50% phân Lân + 40% phân Kali;

+ Trước khi xử lý ra hoa: Bón 50% phân Lân + 30% phân Kali;

+ Giai đoạn đậu quả (sau khi đậu quả 3 tuần, quả có đường kính 1 cm): Bón 20% phân Urê + 15% phân Kali;

+ Giai đoạn nuôi quả: Bón 20% phân Urê + 15% phân Kali.

+ Vùng không chủ động nước tưới: Bón 2 lần/năm (vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa). Chia đều lượng phân để bón, rạch rãnh xung quanh gốc theo hình chiếu tán cây, sâu 10 - 20 cm cho phân vào lấp đất lại, kết hợp với làm cỏ, xới xáo.

6. Chăm sóc

- Sau khi trồng một tháng kịp thời trồng dặm những cây yếu, bị chết.

- Nên phát cỏ 1 lần/tháng để khống chế chiều cao của cỏ, tận dụng cỏ làm phân xanh bón lại trên vườn.

- Thời kỳ kiến thiết cơ bản tưới nước đủ ẩm, kết hợp phủ gốc bằng rơm rạ, cỏ khô. Phủ cách xa gốc xoài 20 cm để phòng nấm bệnh gây hại. Thời kỳ kinh doanh cần tưới nước đầy đủ giai đoạn cây ra đọt non, ra hoa, nuôi trái.

- Tạo tán: Sau khi cây đạt chiều cao 1 - 1,2 m tiến hành bấm ngọn, chừa lại độ cao của thân chính 0,6 - 0,8 m. Khi cây xoài phân cành lần 1 chọn 3 cành khỏe, thẳng mọc từ thân chính, phát triển theo 3 hướng đồng đều làm cành cấp 1 rồi cố định với thân chính một góc 35 - 400. Khi cành cấp 1 phát triển được 2 - 3 lần chồi thì cắt ngọn cho cây phân tán lần thứ hai để có được tổng cộng 9 - 12 chồi ngọn. Thực hiện việc cắt ngọn lần thứ ba, cây xoài sẽ có bộ tán với trên 20 chồi ngọn tạo cho cây bộ khung cân đối.

- Tỉa cành: Sau khi thu hoạch cắt bỏ những cành đã mang quả ở vụ trước, cành bị sâu bệnh, ốm yếu, cành trong tán, cành tâm, tạo cho tán có độ thông thoáng và các cành đều hướng ra ngoài tán. Khi cây ra chồi non, giữ lại 2 - 3 chồi khỏe phân bố đều các hướng. Khi lá già, tỉa lại những cành bị sâu bệnh, cành trong tán giúp cây thông thoáng, chuẩn bị xử lý ra hoa.

- Đối với những cây xoài quá già: Có thể làm trẻ hoá bằng cách cưa bớt, bỏ hết những nhánh con chỉ chừa lại bộ khung chính. Cây trẻ hoá sẽ cho cành lá rất mạnh.

- Tỉa trái: Sau khi kết thúc thời kỳ rụng sinh lý lần 3 (40 - 45 ngày sau đậu quả) chọn trái phát triển đều đặn, chỉ để 1 trái/cuống.

- Bao trái: Sử dụng túi chuyên dụng có thắt nút để bao trái. Chú ý phòng trừ sâu đục trái, bọ trĩ, bệnh thán thư trước khi bao trái 2 - 3 ngày. Tỉa trái kết hợp bao trái nhằm tiết kiệm công lao động.

7. Xử lý ra hoa

Bước 1: Tạo đợt chồi mới

- Sau thu hoạch: Cắt tỉa cành, tưới nước, quét vôi cách mặt dát 1 m

- 1 tuần sau cắt tỉa cành: Bón phân lần 1 (phân hữu cơ + vô cơ N-P2O5-K2O tỷ lệ 3:2:1). Tưới nước liên tục 3 - 4 ngày để phân tan.

- 10 ngày sau bón phân lần 1: Phun phân bón lá có hàm lượng đạm cao N-P-K (30-10-10; 33-11-11; 40-4-4,...) theo liều khuyến cáo hoặc phun GA3 (5 g/200 lít nước)

- 1 tháng sau thu hoạch (Đọt non): Phun thuốc ngừa thán thư, bọ trĩ . Phun phân bón lá lần 2

- Lá già: Bón phân vô cơ lần 2 (P2O5-K2O tỉ lệ 2:1)

Bước 2: Tạo mầm hoa

- Lá xanh chưa thành thục (lá xanh đọt chuối): Xử lý thuốc kích thích ra hoa. Tưới nước liên tục 3 - 5 ngày (1 ngày/ lần), sau đó ngưng tưới đến khi cây ra hoa.

- 45 ngày sau xử lý kích thích ra hoa: Phun MKP lần 1 với nồng độ 0,5%. Phun MKP lần 2 với nồng độ 0,5% sau lần 1 (1tuần).

Bước 3: Kích thích mầm hoa

- Sau khi xử lý thuốc kích thích ra hoa (giống Đài Loan: 45 - 60 ngày; Cát Hòa Lộc, Cát Chu: 45 - 75 ngày): Phun KNO3 lần 1 với liều lượng 3% hay 300 g/10 lít nước. Phun KNO3 lần 2 với liều lượng 1,5% hay 150 g/10 lít nước sau lần 1 (1 tuần).

- 20 - 25 ngày sau nhú mầm hoa: Phun phân bón lá có chứa Ca, Bo giúp ra hoa, thụ phấn tốt và tăng đậu quả

- 3 - 5 ngày sau hoa nở (30% phát hoa nở): Phun phân bón lá có chứa Ca, Bo

* Lưu ý khi xử lý ra hoa xoài

Chỉ áp dụng với vườn khỏe, ít nhiễm sâu bệnh; Xử lý ra hoa liên tục làm cây suy yếu nên hiệu quả xử lý ra hoa không cao. Nên chăm sóc cho cây khỏe và chọn thời điểm xử lý phù hợp; Xử lý ra hoa đúng thời điểm, xử lý quá sớm hoặc quá trễ khả năng thành công thấp; Bón phân không hợp lý (bón hoặc phun phân bón lá nhiều đạm trong giai đoạn xử lý ra hoa) dẫn đến cây ra lá hoặc hình thành bông lá.

8. Phòng trừ sâu bệnh hại

Áp dụng biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trong phòng trừ sâu bệnh hại xoài (hạn chế dùng thuốc BVTV) như: Kiểm soát cỏ dại, tỉa cành tạo tán hàng năm, bón phân cân đối, thường xuyên theo dõi để phát hiện dịch hại kịp thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (4 đúng) trong danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam.

- Sâu hại chính như: Rầy bông xoài, rệp sáp, bọ trĩ, sâu đục cành non, sâu đục quả, ruồi đục quả.

- Bệnh hại chính: Bệnh thán thư, bệnh đốm đen xì mủ, bệnh phấn trắng, bệnh thối trái khô đọt, bệnh nấm hồng.

(Nguồn tham khảo: Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng thâm canh cây xoài theo tiêu chuẩn VietGAP theo Quyết định số 870/QĐ-SNN ngày 28/12/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định)

Quang Thạch



Lượt truy cập: 41409

Đang truy cập: 4294967225