![]() |
19/06/2025 08:51:10 | 56
Mô hình thâm canh cây ngô tại tỉnh Salavan. Ảnh: TTKN
Năm 2023, tỉnh Bình Định và 4 tỉnh Nam Lào đã ký kết văn bản hợp tác giai đoạn 2021–2025 trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Theo đó, Bình Định đã cử chuyên gia trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thú y và thủy sản sang hướng dẫn kỹ thuật canh tác, bảo vệ cây trồng, chăm sóc vật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho người dân tại Lào. Đồng thời, các đoàn cán bộ nông nghiệp của Nam Lào cũng được tạo điều kiện sang Bình Định học tập, trao đổi kinh nghiệm thông qua các khóa tập huấn và thực hành thực tế.
Trong năm 2024, UBND tỉnh Bình Định đã cử cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông sang tỉnh Salavan để xây dựng mô hình thâm canh cây ngô với quy mô 5 ha. Mô hình được triển khai từ tháng 10/2024 đến tháng 3/2025, với tổng kinh phí hơn 287 triệu đồng. Sau 5 tháng thực hiện, mô hình cho kết quả khả quan, năng suất hạt đạt 8,4 tấn/ha, tăng 33,3% so với đối chứng; năng suất trái bắp tươi đạt 15,5 tấn/ha, tăng 31,2%; lợi nhuận bình quân đạt hơn 81,9 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 36%. Mô hình đã được chính quyền và người dân địa phương ghi nhận, đánh giá rất cao, giúp người nông dân nâng cao năng suất và thu nhập trên một đơn vị diện tích.
Tiếp nối thành công trên, trong năm 2025, tỉnh Bình Định tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật sang tỉnh Sekong để triển khai mô hình thâm canh lúa cải tiến trên diện tích 5 ha, sử dụng giống lúa thuần BĐR 57, thời gian thực hiện trong 5 tháng, từ tháng 6 - 11/2025. Chuyên gia tỉnh Bình Định sẽ trực tiếp xây dựng kế hoạch, soạn thảo tài liệu tập huấn và dịch sang tiếng Lào để dễ dàng trong quá trình hướng dẫn kỹ thuật. Đồng thời, Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Sekong cũng đã cử cán bộ phối hợp triển khai, lựa chọn địa điểm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để mô hình đạt hiệu quả cao.
Chuyên gia tỉnh Bình Định chuẩn bị giống và vật tư để hỗ trợ xây dựng mô hình tại tỉnh Sekong. Ảnh: TTKN
Ngày 16/6/2025 vừa qua, cán bộ Trung tâm Khuyến nông cũng đã di chuyển sang tỉnh Sekong mang theo toàn bộ giống và vật tư cần thiết để thực hiện triển khai mô hình. Kỹ sư Nguyễn Cường, cán bộ kỹ thuật được cử sang thực hiện mô hình, cho biết: Được tỉnh Bình Định cử sang hỗ trợ nước bạn Lào trong việc chuyển giao kỹ thuật và xây dựng mô hình thâm canh lúa cải tiến là niềm vinh dự và tự hào lớn lao. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ hiệu quả nhất, giúp cán bộ nông nghiệp và người nông dân tỉnh Sekong nắm vững kỹ thuật, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế để góp phần phát triển sản xuất cây lúa bền vững tại địa phương.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, nhấn mạnh: Việc tăng cường hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa hai tỉnh Bình Định và Sekong không chỉ nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại địa phương mà còn thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Qua đó, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả tại nước bạn Lào.
Sự hợp tác giữa tỉnh Bình Định và các tỉnh Nam Lào trong lĩnh vực nông nghiệp là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia, đồng thời mở ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới./.
Thành Nguyên
Lượt truy cập: 159489
Đang truy cập: 338