Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Biện pháp phòng trừ cỏ dại, ốc bươu vàng và chuột hại lúa vụ Thu năm 2024

Hiện nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị làm đất để triển khai sản xuất vụ Thu 2024. Để giúp nông dân chủ động phòng trừ các đối tượng sinh vật hại giai đoạn đầu vụ (cỏ dại, chuột, ốc bươu vàng), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn một số biện pháp như sau:

 22/04/2024 15:27:31 |  202

Biện pháp phòng trừ cỏ dại, ốc bươu vàng và chuột hại lúa vụ Thu năm 2024

Ốc bươu vàng. Ảnh minh họa

1. Đối với cỏ dại

a) Trước khi gieo sạ

- Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng, cỏ dại, gốc rạ, lúa chét, cỏ bờ đem tiêu hủy.

- Làm đất kỹ trước khi gieo trồng để tiêu diệt cỏ đã có trong ruộng. Trước khi sạ cần san mặt ruộng bằng phẳng, tránh đọng nước, có rãnh thoát nước, điều tiết nước dễ dàng để khống chế cỏ dại.

- Chọn giống không bị lẫn hạt cỏ dại để gieo trồng. Gieo sạ mật độ thích hợp, không gieo sạ quá thưa tạo điều kiện cho cỏ dại phát sinh, phát triển.

b) Sau khi gieo sạ

Sử dụng thuốc hóa học để diệt cỏ: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc trừ cỏ khác nhau, tùy theo điều kiện thời tiết, chân đất, tình hình cỏ dại trên đồng ruộng có thể sử dụng một trong các nhóm thuốc trừ cỏ sau:

- Thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: Sử dụng một trong các loại thuốc trừ cỏ như: Sofit 300EC, Prefit 300EC, … Liều lượng 50 ml thuốc pha 16 lít nước phun cho 1 sào (500 m2), phun kỹ, ướt đều trên bề mặt ruộng (Lưu ý: Phun thuốc khi cỏ chưa mọc hoặc mới mọc được 1 lá (khoảng 1 - 3 ngày  sau sạ).

 - Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm: Tùy theo tình hình cỏ dại trên đồng ruộng mà có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Topshot 60OD, Clincher 10EC, Ginga 33WG, Sunrice 15WDG, Nominee 10 SC, … Liều lượng sử dụng như hướng dẫn ở trên bao bì của từng loại thuốc.

 + Đối với nhóm cỏ chác lác và cỏ lá rộng: Sử dụng thuốc Topshot 60OD, Ginga 33WG, Sunrice 15WDG, ...

 + Đối với cỏ lồng vực, đuôi phụng: Sử dụng thuốc Topshot 60OD (chỉ sử dụng khi cỏ có 1-1,5 lá), Clincher 10EC, Nominee 10 SC, ...

Lưu ý: Thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm có tác dụng khi cây cỏ đã có lá, thuốc xâm nhập vào cây chủ yếu qua lá, vì vậy trước khi phun các thuốc này phải rút bớt nước trong ruộng để lá cỏ nhô lên khỏi mặt nước mới tiếp xúc với thuốc. Sau khi phun thuốc phải đảm bảo ruộng đủ ẩm để thuốc phát huy hiệu lực trừ cỏ.

2. Đối với ốc bươu vàng

a) Biện pháp thủ công

- Thu gom ốc và ổ trứng để làm thực phẩm, thức ăn cho vật nuôi hoặc tiêu hủy bằng cách:

+ Đào các rãnh nhỏ quanh ruộng để khi rút nước ốc tập trung vào rãnh, sau đó tiến hành thu gom.

+ Dùng cọc tre cắm ở những chỗ có nhiều ốc để dụ ốc leo lên đẻ trứng rồi thu gom.

+ Sử dụng lá đu đủ, khoai mì, xơ mít, ... làm thành từng bó, đặt ở góc ruộng, gần bờ để dẫn dụ ốc bươu vàng tập trung rồi thu gom ốc, định kỳ 12 - 24 giờ thu gom 1 lần.

- Dùng lưới chắn ốc ở những chỗ có đường nước chảy vào ruộng.

- Khi cây lúa còn nhỏ, chỉ nên để mực nước ruộng khoảng 2 - 3 cm để hạn chế bớt sự di chuyển của ốc.

b) Biện pháp hóa học

- Thuốc Starpumper 800WP: Liều lượng 17 - 25 g thuốc pha 16 lít nước phun cho 1 sào (500 m2);

- Thuốc Anpuma 700WP: Liều lượng 35g thuốc pha 16 lít nước phun cho 1 sào (500 m2);

- Thuốc  Boxer 15GR (rải): Liều lượng 300g thuốc/sào, hiệu quả cao đối với ốc trưởng thành.

Khi phun, rải thuốc trừ ốc bươu vàng cần giữ nước trong ruộng khoảng 3 - 5 cm trong vòng 2 - 3 ngày để diệt ốc hiệu quả. Không để nước ngậm đọt lúa.

3. Đối với chuột

a) Trước khi sản xuất

- Tiến hành vệ sinh đồng ruộng, phát quang các bờ, bụi cây ở khu vực gieo trồng, làm sạch cỏ ở bờ ruộng, kênh mương để hạn chế nơi cư trú của chuột.

- Thực hiện diệt chuột bằng biện pháp thủ công: phát động nông dân ra đồng đào bắt, đánh bẫy, đổ nước vào hang chuột, dùng đất đèn đổ vào hang, … để tiêu diệt chuột. Đây là biện pháp diệt chuột có hiệu quả cao, đơn giản, nông dân dễ thực hiện.

b) Trong vụ sản xuất

Khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng các biện pháp:

- Bắt chuột vào ban đêm bằng cách dùng đèn soi và dùng nơm chụp bắt ở những ruộng bị chuột cắn phá nhiều (giai đoạn lúa đẻ nhánh).

- Dùng các loại bẫy để diệt chuột như: Bẫy sập, bẫy đập, bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt, … để diệt chuột.

- Dùng một trong các loại sau: Thuốc trộn sẵn với mồi (Killrat, Klerat, Storm,... ) để rải trực tiếp hoặc thuốc Racumin, Rat K,… trộn với mồi (lúa mầm, cám thực phẩm, tôm, cua, cá,...) để làm bả diệt chuột. Đặt bả ở bờ ruộng nơi gần hang hoặc gần đường đi của chuột, bờ mương, bờ ruộng,...

* Lưu ý: Nên kết hợp diệt chuột ngoài đồng ruộng với nơi gần khu dân cư.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định



Lượt truy cập: 41409

Đang truy cập: 4294967211