Trung tâm khuyên nông Bình Định
TIN TỨC, SỰ KIỆN

Biện pháp phòng trừ chuột gây hại lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024

Hiện nay, lúa Đông Xuân chân cao sạ cưỡng giai đoạn đứng cái - làm đòng; lúa chân 3 vụ đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh; lúa chân 2 vụ đại trà đang ở giai đoạn đẻ nhánh - đẻ nhánh rộ.

 22/01/2024 16:27:14 |  195

Biện pháp phòng trừ chuột gây hại lúa vụ Đông Xuân  2023 - 2024

Ảnh minh họa

Qua kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV: chuột đang phát sinh gây hại cục bộ trên lúa từ đẻ nhánh - làm đòng, tỷ lệ hại cục bộ 1 - 5%, cá biệt một số diện tích có tỷ lệ hại 10 - 15%, diện tích bị hại 17,5 ha ở hầu hết các huyện, thị xã, thành phố.

Dự báo trong thời gian đến, chuột tiếp tục phát sinh gây hại trên các trà lúa từ đẻ nhánh - làm đòng, nặng cục bộ ở các ruộng ven làng, gò đồi, ... thời điểm trước, trong và sau Tết.

Để hạn chế thiệt hại do chuột gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai các giải pháp sau:

1. Phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường công tác kiểm tra, nắm chắc diễn biến, diện tích bị chuột gây hại và báo cáo về Chi cục vào thứ 3 hàng tuần.

2. Phối hợp Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện, thị xã, thành phố, Đài Truyền thanh cấp xã thường xuyên thông tin, hướng dẫn biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả.

3. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tiếp tục triển khai công tác diệt chuột thường xuyên, liên tục đến hết vụ Đông Xuân.

4. Thông báo, hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp phòng trừ sau:

- Bắt chuột vào ban đêm bằng cách dùng đèn soi và dùng nơm chụp bắt ở những ruộng bị chuột cắn phá nhiều (giai đoạn lúa đẻ nhánh).

- Dùng các loại bẫy: Bẫy sập, bẫy đập, bẫy kẹp, bẫy bán nguyệt, … có mồi để bẫy chuột.

- Dùng một trong các loại thuốc: Thuốc trộn sẵn với mồi (Gimlet, Killrat, Klerat) để rải trực tiếp hoặc thuốc Racumin, Rat K, Hicate, … trộn với mồi (mì tôm, cám thực phẩm, tôm, cua, cá) để làm bả diệt chuột. Đặt bả ở nơi chuột đang cắn phá, bờ ruộng nơi gần hang hoặc gần đường đi của chuột, bờ mương.

Lưu ý:

- Hiện nay, trên đồng ruộng có rất nhiều cây trồng (lúa, ngô, đậu đỗ) nên việc sử dụng hạt lúa, ngô, đậu đỗ để làm mồi nhử sẽ không thu hút chuột. Vì vậy, nên sử dụng các loại mồi không có sẵn trên đồng ruộng như: mì tôm, cám thực phẩm, tôm, cua, cá; đối với mồi là các loại thịt như tôm, cua, cá thì nên phơi 1 buổi hoặc nướng để tạo mùi thu hút chuột.

- Triển khai các biện pháp diệt chuột đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho người, gia súc, gia cầm và giữ vệ sinh môi trường./.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV



Lượt truy cập: 37471

Đang truy cập: 4294967260